Những lựa chọn khác
Họ chơi trò chơi và tụ tập ăn lẩu đến tận khuya bên bờ biển. Tết Nguyên đán có thể là thời gian đoàn tụ gia đình, nhưng đối với thế hệ trẻ, kỳ nghỉ hàng năm này đã trở thành sự kiện lặp đi lặp lại.
Ah La chia sẻ với kênh CNA (Singapore): “Những người bạn gặp, chủ đề câu chuyện và các món ăn ở nhà đều lặp đi lặp lại". Cô đồng thời bổ sung rằng bầu không khí Tết Nguyên đán đã thực sự phai nhạt. “Điều tôi coi trọng nhất là có thể kết nối với những người khác có cùng sở thích”, cô chia sẻ.
Giống như Ah La, ngày càng có nhiều thanh thiếu niên lựa chọn dành kỳ nghỉ lễ kéo dài nhiều ngày theo những cách khác.
Cũng đón Tết Nguyên đán xa nhà là cố vấn kinh doanh Jiang Ningzhi (35 tuổi) người Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Hàng năm, gia đình cô đến một khách sạn địa phương để tổ chức tiệc tất niên hoành tráng cho bạn bè và người thân. Cô cho rằng điều này hiện đã nhàm chán. Năm nay, cô muốn đón năm mới âm lịch theo cách khác lạ hơn.
Vì vậy, Jiang Ningzhi đến làng Shuiku ở Thượng Hải, nơi đặc biệt phổ biến với du mục kỹ thuật số trẻ tuổi muốn kết nối với thiên nhiên và thoát khỏi những căng thẳng khi sống ở thành phố. Cô dành thời gian trò chuyện với người dân địa phương, dùng bữa tối đơn giản và ngắm pháo hoa ở thị trấn yên tĩnh. Sau khi học tập và làm việc ở Anh trong 5 năm qua, Jiang cho biết cô đã quen với việc xa nhà trong hầu hết các kỳ nghỉ lễ.
Động lực thay đổi
Tiến sĩ Zhao Litao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết hiện nay Tết Nguyên đán không chỉ là một ngày lễ truyền thống, nó đã phát triển thành “lễ hội quốc gia”. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng, căng thẳng tài chính và thay đổi lối sống, tư duy, đặc biệt là ở các thế hệ trẻ hơn, đang định hình lại cách nhìn nhận và kỷ niệm Tết Nguyên đán ở đất nước này.
Giáo sư dự bị Zhou Wang tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân lưu ý rằng, các gia đình đông con cũng đang suy giảm, đó là di sản của chính sách một con và cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang diễn ra. Ông lập luận: "Các gia đình đông con ở Trung Quốc ngày càng hiếm và xuất hiện tình trạng xa lánh dần giữa người thân. Điều này trái ngược với thông điệp đoàn tụ gia đình truyền thống của Tết Nguyên đán".
Với việc ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc áp dụng lối sống không theo khuôn mẫu, nhiều người cho rằng không nên cảm thấy tội lỗi khi từ bỏ truyền thống. Trong bài đăng trên mạng xã hội Xiaohongshu với hơn 1.500 lượt thích, anh Wenhao (35 tuổi) chia sẻ sự bất mãn với kỳ vọng xã hội, bao gồm cả áp lực phải kết hôn và sinh con.
Wenhao nói với CNA: “Các dịp Tết Nguyên đán, tôi thường về với mẹ và coi trọng các lễ nghi, nhưng nay tôi cảm thấy tự lập hơn và nhận ra rằng hạnh phúc có thể mang nhiều hình thức. Trước đây, những món ăn đặc biệt hoặc quần áo mới là những thứ bạn chỉ có thể thưởng thức trong dịp năm mới. Giờ đây, chúng có thể có quanh năm”.
Phó giáo sư Liu Yi tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu, đánh giá, điều này phản ánh thay đổi xã hội và kinh tế rộng lớn hơn, khi thế hệ trẻ ngày càng gắn bó với các thành phố. “Trước đây, nhiều người trẻ chuyển đến các thành phố để làm việc trong khi cha mẹ già của họ vẫn ở lại vùng nông thôn, vì vậy họ sẽ trở về nhà vào các ngày lễ. Nhưng theo thời gian, họ định cư tại thành phố, lập gia đình, một số thậm chí còn đưa cha mẹ về sống cùng. Do đó, nhu cầu trở về đã giảm đáng kể”, ông bổ sung.
Theo ông Liu Yi, nhiều gia đình, hiện đang chọn đi du lịch vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán, và đây là giai đoạn cao điểm cho cả du lịch trong nước và quốc tế. Theo số liệu do Bộ Giao thông Vận tải công bố, số chuyến đi liên vùng trên toàn Trung Quốc ngày 21/1 đạt 230,54 triệu lượt, cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2024.
Về phần mình, cô Jiang cho rằng, việc xa nhà vào dịp Tết Nguyên đán không phải là từ bỏ truyền thống mà là khám phá lại nó theo những cách mới.