Nguyên nhân khiến mô hình tuần làm việc 4 ngày gây ra tranh cãi

Nhiều người hoài nghi cho rằng sự thành công của mô hình tuần làm việc 4 ngày ở vài chục công ty thử nghiệm không phải là dấu hiệu cho thấy nó sẽ thành công khi áp dụng đối với toàn bộ nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Mô hình tuần làm việc 4 ngày mang lại lợi ích cho người lao động nhưng lại thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Reuters

Đầu tháng 3, một nhóm các đảng viên Dân chủ cấp tiến tại Hạ viện Mỹ đã đề xuất một dự luật về việc áp dụng tuần làm việc 4 ngày thành mô hình chính thức. Mặc dù đề xuất này được cho là khó có thể trở thành luật, nhưng thực tế là những thử nghiệm thành công đối với mô hình này đánh dấu một tín hiệu tạo động lực cho ý tưởng cắt giảm một ngày so với tuần làm việc 5 ngày tiêu chuẩn.

Trong một vài năm trở lại đây, một số thử nghiệm đã được tiến hành ở các quốc gia trên thế giới để đánh giá tác động của mô hình làm ít giờ hơn này. Hầu hết những thử nghiệm đó kết thúc với những đánh giá tích cực.

Công bố kết quả vào cuối tháng 2, cuộc thử nghiệm lớn nhất cho đến nay - với sự tham gia của 61 công ty Vương quốc Anh - cho thấy việc áp dụng tuần làm việc 32 giờ mà không cắt giảm lương đã giảm mức độ căng thẳng của nhân viên, cải thiện sự hài lòng trong công việc của họ và nhìn chung khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn. Điều quan trọng là hầu hết các công ty ghi nhận không bị giảm năng suất. 56 trong số các công ty tham gia cho biết họ sẽ duy trì chế độ làm việc 4 ngày/tuần sau khi thử nghiệm kết thúc.

Các cuộc thử nghiệm diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Một số công ty yêu cầu nhân viên làm việc từ thứ Hai đến thứ Năm, trong khi những công ty khác bố trí lịch làm việc xen kẽ. Tại Bỉ, có người đề xuất một mô hình ngày làm việc 10 giờ đồng hồ để họ có thể có thêm một ngày nghỉ.

Mô hình tuần làm việc 4 ngày trở nên phổ biến trong vài năm qua một phần là vì sự gián đoạn của đại dịch COVID-19 và người lao động đang được trao nhiều quyền lựa chọn hơn. Tuy nhiên, mô hình này không phải là mới.

Trước đó, tại Mỹ, tuần làm việc 5 ngày đã được đưa vào luật liên bang vào những năm 1930, chấm dứt kỷ nguyên mà người lao động bị buộc phải làm ca 14 giờ trong 6 ngày một tuần. Nhiều người dự đoán việc rút ngày làm việc xuống 5 ngày chỉ là khởi đầu.

Năm 1956, Phó Tổng thống lúc bấy giờ là Richard Nixon cho biết tuần làm việc 4 ngày sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần. Vào cuối những năm 1970, một chủ tịch liên đoàn lao động lớn cho biết tuần làm việc sẽ bị rút ngắn đi là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi.

Những người ủng hộ tuần làm việc 4 ngày nói rằng mô hình này mang lại lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp. Nhân viên sẽ thấy chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện đáng kể nhờ giảm căng thẳng, bớt tình trạng kiệt sức và có nhiều thời gian hơn để dành cho bạn bè và gia đình. Các doanh nghiệp cũng sẽ ghi nhận hiệu suất làm việc hiệu quả. Đặc biệt phụ nữ sẽ cảm thấy bớt gánh nặng hơn khi họ vừa phải làm việc vừa phải chăm sóc con cái.

Tuy nhiên, còn nhiều người hoài nghi cho rằng sự thành công của mô hình tuần làm việc 4 ngày ở vài chục công ty không phải là dấu hiệu cho thấy nó sẽ thành công khi áp dụng đối với toàn bộ nền kinh tế. Họ lập luận rằng mô hình này không khả thi đối với phần lớn lực lượng lao động trong các ngành như nông nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải vật lộn để tồn tại hoặc buộc phải tăng giá nếu đột ngột giảm 20% sản lượng của công nhân mà không cắt giảm chi phí lao động. Cũng có những lo ngại cho rằng một số công nhân sẽ phải chịu sức ép nhiều hơn so với hiện tại nếu được yêu cầu duy trì sản lượng hiện tại trong một khoảng thời gian bị rút ngắn.

Theo chuyên viên Jim Harter tại công ty tư vấn Gallup (Mỹ), khi nói về tổng thể, chất lượng trải nghiệm làm việc có tác động gấp 2,5 đến 3 lần so với số ngày hoặc số giờ làm việc. … Nếu mục tiêu là xây dựng văn hóa nơi làm việc hấp dẫn, thì việc giảm tuần làm việc không phải là bước đầu tiên.

Biên tập Emma Russell làm việc tại tạp chí Harvard Business Review cho rằng đối với những nhân viên vốn dĩ đã mệt mỏi vì công việc, nếu cắt giảm ngày làm việc đi một ngày thì điều đó cũng không gây ra khác biệt gì. Rõ ràng, người sử dụng lao động cần phải nhận thức được hai yếu tố quan trọng. Một là việc giảm giờ làm phải đi kèm với việc điều chỉnh lại hoặc thậm chí giảm bớt khối lượng công việc. Hai là thời gian tại nơi làm việc rút ngắn thậm chí có thể trở nên căng thẳng hơn đối với người lao động nếu như buộc phải duy trì hiệu suất.

Nhà bình luận Curt Steinhorst của tạp chí Forbes cho hay không làm việc vào ngày thứ Sáu không giải quyết được áp lực từ những ngày họp hành liên miên, nhận email, tin nhắn tới tấp. Mặc dù việc giảm giờ làm có thể trì hoãn sự khởi đầu của tình trạng kiệt sức, nhưng việc bỏ qua những vấn đề cơ bản trong văn hóa làm việc và thói quen hàng ngày của người lao đông chắc chắn sẽ dẫn họ tiếp tục lao vào con đường căng thẳng như trước.

Đó là đối với người lao động, còn đối với những người tuyển dụng, Tạp chí phố Wall chỉ ra một tuần làm việc 32 giờ đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải thuê nhiều nhân viên hơn với chi phí cao hơn để thực hiện cùng một lượng công việc, hoặc sẽ phải trả thêm giờ. Nếu như không muốn mất thêm chi phí, họ buộc phải cắt giảm kinh doanh. Đến cuối cùng, người tiêu dùng sẽ là bên chịu thiệt vì phải gánh chi phí gia tăng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (tổng hợp)
Trung Quốc: Chính quyền nhiều địa phương vào cuộc thúc đẩy tỷ lệ kết hôn
Trung Quốc: Chính quyền nhiều địa phương vào cuộc thúc đẩy tỷ lệ kết hôn

Một thành phố tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) đã ra mắt ứng dụng “làm mối” giúp cư dân độc thân tại địa phương tìm được nửa kia phù hợp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN