Nguyên nhân khiến giá khí đốt châu Âu giảm 88% trong vòng một năm

Cách đây một năm, các chính trị gia châu Âu lo lắng khi giá khí đốt bán buôn phá kỷ lục mọi thời đại. Nhưng đến nay, mức giá đã giảm đến 88%. Có nhiều yếu tố kết hợp dẫn đến kết quả này.

Chú thích ảnh
Các bể chứa tại trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát súng khởi đầu của giá khí đốt xô đổ các kỷ lục là vào tháng 8/2022 với sàn giao dịch TTF ở Hà Lan ghi nhận mức báo động 145 euro/MWh.

Hai tuần sau, TTF lần đầu tiên vượt qua mốc 200 euro/MWh. Đến ngày 26/8/2022, TTF đã đạt đến ngưỡng vượt sức tưởng tượng là 300 euro/MWh. "Giá khí đốt đã phá kỷ lục mới. Chúng có thể tăng đến mức nào?" là dòng tiêu đề bài viết được đăng trên Euronews ngay trong tuần đó.

Vào thời điểm đó, khi kinh tế thế giới đang nỗ lực gượng dậy sau dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine bùng phát, không ai có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi “tăng bao nhiêu”. Nhưng đến nay, thực tế được ghi nhận là sau khi chạm mức trần 300 euro/MWh, giá khí đốt châu Âu bắt đầu giảm ổn định và quay trở lại mức hai con số.

Ngày 25/8, TTF đã đóng cửa giao dịch ở mức gần 35 euro/MWh - giảm 88% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8/2022. Điều này đưa châu Âu đến gần hơn với thời điểm trước đại dịch COVID-19 khi giá rẻ được duy trì nhờ nguồn cung dồi dào từ Nga trong khoảng từ 15 euro/MWh đến 25 euro/MWh.

Euronews đánh giá kết quả này đạt được nhờ sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố, bao gồm cả mùa Đông vừa qua ôn hòa hơn bình thường làm giảm nhu cầu sưởi ấm.

Nổi bật nhất là nỗ lực phi thường mà các hộ gia đình và đặc biệt là ngành công nghiệp châu Âu đã tiến hành để cắt giảm việc sử dụng khí đốt. Máy bơm nhiệt, năng lượng Mặt Trời trên mái nhà, vật liệu cách nhiệt và áo cao cổ trở nên phổ biến nhanh chóng.

EU đưa ra các mục tiêu chưa từng có để tiết kiệm năng lượng và người tiêu dùng đã cắt giảm mức tiêu thụ của họ vượt xa mục tiêu mong muốn. Mức tiêu thụ khí đốt của EU đã giảm 19,3% trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023, vượt mục tiêu 15% mà các quốc gia thành viên đã đặt ra vào năm 2022 trên cơ sở tự nguyện. Chính sách tiết kiệm tỏ ra hiệu quả đến mức sau đó được gia hạn đến tháng 3/2024.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt tại trạm trung chuyển khí đốt ở Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thay đổi về hành vi đã sâu sắc đến mức chúng có thể báo trước một kỷ nguyên mới về cách tiêu thụ năng lượng. Trong một báo cáo được công bố đầu năm nay, IEA nêu bật: “Một số yếu tố này có thể được coi là mang tính chu kỳ hoặc tạm thời - chẳng hạn như việc chuyển đổi nhiên liệu nhạy cảm với giá hoặc ảnh hưởng của thời tiết. Những vấn đề khác như bổ sung năng lực tái tạo, cải thiện hiệu suất và bán máy bơm nhiệt, đều mang tính cấu trúc, đặt nền tảng giảm nhu cầu khí đốt lâu dài”.

Với diễn biến này, EU dường như không còn lo sợ về mùa Đông 2023-2024 nữa. Các thùng chứa khí đốt hoá lỏng (LNG), kế hoạch mua chung mới và tiếp tục tiết kiệm năng lượng đang giữ giá ở mức phải chăng. Kho lưu trữ khí đốt ngầm hiện đạt hơn 92% công suất, một dấu hiệu đầy hứa hẹn khi nghĩa vụ chung của khối là đạt 90% vào ngày 1/11.

Ông Simone Tagliapietra tại viện nghiên cứu Bruegel có trụ sở ở Bỉ có quan điểm khá thận trọng: “Ngay cả khi giá hiện tại thấp hơn nhiều so với năm ngoái, chúng vẫn không ổn định. Và bất cứ điều gì xảy ra với phía cung hoặc phía cầu đều có thể tác động khiến giá biến động mạnh theo ngày hoặc theo tuần. Đây là một phần của điều bình thường mới trong thị trường khí đốt châu Âu”.

Ông Tagliapietra cho biết thêm, khi đã lật ngược tình thế và để lại sự hoảng loạn phía sau, các chính phủ nên loại bỏ dần trợ cấp lớn mà họ áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng và thay vào đó tập trung vào hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Khuyến nghị này cũng đã được Ủy ban châu Âu đưa ra với lo ngại việc bơm tiền công liên tục có thể làm biến dạng thị trường và giảm động lực tiết kiệm năng lượng. Ông Tagliapietra nói: “Điều quan trọng vẫn là phải sử dụng khí đốt một cách thận trọng trong mùa Đông sắp tới.”

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Euronews)
Tại sao phương Tây tăng lưu trữ khí đốt ở Ukraine, bất chấp rủi ro do xung đột?
Tại sao phương Tây tăng lưu trữ khí đốt ở Ukraine, bất chấp rủi ro do xung đột?

Các công ty đa quốc gia từ phương Tây đang bơm khí đốt tự nhiên vào các bể chứa của Ukraine, hy vọng xung đột không làm gián đoạn lợi nhuận tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN