Cụ thể, Bộ Ngoại giao Turkmenistan cho rằng kế hoạch của Nga thành lập một "liên minh khí đốt" với Kazakhstan và Uzbekistan sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Ashgabat.
Theo Bộ này, mặc dù tuyên bố của phía Nga là mơ hồ, nhưng Ashgabat muốn nhấn mạnh rằng bất kỳ thay đổi nào về khối lượng đã thỏa thuận và đăng ký cũng như kế hoạch cung cấp khí sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có đều cần có sự chấp thuận sơ bộ của tất cả các bên tham gia mà không có ngoại lệ.
Trong khi đó, Turkmenistan cho biết họ chưa được tham vấn về khả năng bổ sung các nhà cung cấp mới cho đường ống nối tới Trung Quốc.
"Phía Turkmenistan coi cách tiếp cận như vậy là không thể hiểu được và không thể chấp nhận được. Điều đó là đi ngược lại luật pháp quốc tế và thông lệ đã được thiết lập trong lĩnh vực khí đốt", Bộ trên cho biết trong một tuyên bố.
Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan đều bơm khí đốt sang Trung Quốc thông qua một đường ống đi qua ba nước; phần lớn khí đốt đến từ Turkmenistan khi Uzbekistan và Kazakhstan phải đối mặt với sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu khí đốt trong nước.
Nga, vốn đang tìm cách mở cửa các thị trường châu Á mới cho khí đốt của mình sau các lệnh trừng phạt của phương Tây do xung đột ở Ukraine, năm ngoái cho biết họ đang thành lập một liên minh khí đốt với Kazakhstan và Uzbekistan để hợp lý hóa việc vận chuyển và xuất khẩu khí đốt cho các bên thứ ba.
Cho đến nay, bước thực tế duy nhất mà các bên liên quan, theo thông báo của Moskva, đã công bố là kế hoạch triển khai một đường ống dẫn khí đốt khác, nối Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan với Nga, để Gazprom (của Nga) có thể vận chuyển khí đốt đến Uzbekistan, nơi đã bắt đầu gặp phải tình trạng thiếu năng lượng.
Nga từng là khách hàng chính mua khí đốt của Turkmenistan trước khi xây dựng đường ống của Trung Quốc, nhưng hiện nay tỷ trọng xuất khẩu của nước này trong xuất khẩu của Turkmenistan rất nhỏ.