Nguy cơ Libya thành 'cái nôi' tiếp theo của IS

Tình hình Libya đang ngày càng trở nên trầm trọng do các cuộc chiến đẫm máu giữa các nhóm chiến binh, trong khi thế giới tiếp tục dõi theo một cách hờ hững hoặc thực hiện những bước đi hạn chế mà hầu như không đem lại tác động thực sự nào.

Mạng tin "Asharq Al-Awsat" ngày 27/9 cảnh báo rằng các nước láng giềng Arập và quốc tế sẽ phải trả giá đắt nếu tiếp tục lờ đi tình cảnh bi thảm ở Libya hiện nay.

Phiến quân trong một cuộc giao tranh tại Tripoli. Ảnh: AFP-TTXVN


Việc không có một chính quyền trung ương vững vàng ở Libya, cộng với tình hình hỗn loạn và tình trạng phổ biến vũ khí cũng như sự lan tràn của các nhóm cực đoan - trong đó có một số nhóm liên kết với al-Qaeda - đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho các nhóm khủng bố đang nuôi ảo tưởng mở rộng "hiện tượng IS" ("Nhà nước Hồi giáo" tự xưng).

Các nước phương Tây, từng nhiệt tình tham gia lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, dường như không quan tâm tới việc can thiệp vào Libya để giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Phương Tây đang áp dụng kế hoãn binh, viện lý do các nhà hoạch định chiến lược của họ phải giải quyết những vấn đề cấp bách hơn. Trong khi đó, IS đã trở thành mục tiêu của mọi động thái của phương Tây sau khi nhóm Hồi giáo cực đoan này bành trướng nhanh chóng từ Syria sang Iraq.

Bất chấp khối lượng lớn tiền của đổ vào, quân đội các nước Arập vẫn nhanh chóng sụp đổ một cách bí hiểm. Cho đến nay, cả quân đội Iraq và Yemen đều lần lượt "gãy vụn" trước IS và lực lượng Houthi.

Trong khi đó, Libya thậm chí còn không có một quân đội chuyên nghiệp vì đất nước này chưa ổn định để xây dựng một đội quân mới thay thế các nhóm chiến binh. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Libya rất khác với những nước còn lại trong khu vực.

Quân đội Libya yếu và vẫn trong giai đoạn xây dựng nên không thể đối đầu với các chiến binh đang kiểm soát hầu hết đất nước này. Libya còn chịu cảnh không có một chính phủ trung ương vững mạnh trước thực tế cuộc xung đột đã tạo ra hai chính quyền cạnh tranh nhau với quốc hội và sở chỉ huy quân đội riêng.

Cuộc khủng hoảng đang trầm trọng hơn ở Libya chắc chắn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đối với các nước láng giềng. Sáu nước có biên giới chung với quốc gia Arập này đều rất dễ bị ảnh hưởng, nhất là khi các nhóm cực đoan thắt chặt sự kiểm soát đất nước này và biến nơi đây thành một đấu trường khủng bố mới.

Các tay súng thuộc lực lượng Fajr Libya tại Tripoli. Ảnh: THX-TTXVN


Bên cạnh đó, Libya còn nhìn sang châu Âu qua Địa Trung Hải. Trong bối cảnh các nước ở Nam Âu phàn nàn về làn sóng người nhập cư bất hợp pháp, tình hình sẽ ra sao nếu Libya trượt sâu hơn vào bạo lực và cuộc chiến giữa các bộ lạc?

Libya rất có thể trở thành điểm đến cho những kẻ khủng bố buộc phải chạy khỏi IS
ở Syria và Iraq do sức ép từ các cuộc oanh kích của liên quân. Những nhóm này sẽ tìm kiếm một môi trường thuận lợi khác và có thể nhận thấy mảnh đất màu mỡ ở Libya, quốc gia đang có sự hiện diện của các nhóm liên kết với al-Qaeda.

Ai Cập và Algeria sẽ dễ bị tác động nhất nếu Libya biến thành cái nôi cho những nhóm khủng bố luôn tìm kiếm môi trường nuôi dưỡng chúng. Sudan cũng có thể bị ảnh hưởng sau những thông tin mới đây về việc al-Qaeda lần đầu tiên mở một nhánh ở đây nhờ các thủ lĩnh Anh em Hồi giáo ở Khartoum.

Theo "Asharq Al-Awsat", Libya cần sự giúp đỡ từ bên ngoài để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng. Phản ứng của các nước Arập và quốc tế cho đến nay chưa đúng với mức độ nghiêm trọng của tình hình ở quốc gia này.

Thông báo của phái bộ LHQ tại Libya về việc tổ chức một cuộc "đối thoại" không đủ sức nặng để giúp Libya thoát khỏi khủng hoảng. Còn đối với thế giới Arập, đa số các nước đều vẫn giữ thái độ thờ ơ với những diễn biến ở Libya.

Những bước đi hạn chế cùng những tuyên bố nhàm chán của Liên đoàn Arập không thuyết phục được rằng chính sách của khối nước này đối với các cuộc khủng hoảng tại nhiều nước Arập sẽ làm thay đổi tình cảnh của Libya.

Giải pháp hiện nay là các nước láng giềng cùng các nước Arập vùng Vịnh phải gây sức ép lên cộng đồng quốc tế để tổ chức một hội nghị với sự tham gia của các bên ở Libya nhằm đạt được một thỏa thuận dưới sự bảo trợ của thế giới Arập và quốc tế. Điều này sẽ giúp khôi phục sự ổn định cho Libya, ngăn quốc gia này chia rẽ và trượt sâu hơn vào cuộc chiến hủy diệt, gây bất an cho nhiều nước khác.


TTK
Liên minh chống IS mở rộng không kích tại Syria
Liên minh chống IS mở rộng không kích tại Syria

Liên minh quốc tế do Mỹ chỉ huy đã mở rộng chiến dịch không kích chống phiến quân IS tự xưng tại Syria trong lúc máy bay chiến đấu Anh thực hiện nhiệm vụ không kích đầu tiên của mình nhằm vào IS tại Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN