Báo cáo tháng 7 của IEA cho biết trong tháng trước, sản lượng dầu mỏ thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua, sau khi Saudi Arabia cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, vượt quá các cam kết trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), trong khi sản lượng ở Iraq và Mỹ giảm khoảng 500.000 thùng/ngày.
Theo báo cáo, với 86,9 triệu thùng/ngày, nguồn cung dầu mỏ giảm 2,4 triệu thùng/ngày so với tháng 5 và 13,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ cho rằng giữa lúc dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ, Brazil và các quốc gia khác, nhu cầu đối với dầu mỏ đang đứng trước rủi ro lớn. Giới đầu tư hiện đang dõi theo cuộc họp của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 17/7 tới.
Trong khi đó, ngày 10/7, Công ty Dầu mỏ quốc gia (NOC) Libya thông báo đã nối lại hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu mỏ sau gần 6 tháng ngừng hoạt động do xung đột.
Theo NOC, sẽ phải mất một thời gian nữa, hoạt động khai thác dầu mỏ mới có thể quay trở về mức cũ. Dự kiến, chuyển tàu xuất khẩu dầu đầu tiên sẽ xuất phát từ cảng Al-Sidra, miền Đông Libya.
Libya - nước có trữ lượng dầu thô lớn nhất châu Phi, đang bị chia rẽ khi tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. Xung đột vũ trang đã khiến hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu của Libya bị ngưng trệ trong thời gian dài.