Báo cáo của J.P. Morgan nhận định, thị phần dầu mỏ của Saudi Arabia trên thị trường toàn cầu có thể tăng lên 15% vào năm 2025 so với mức 11,6% hiện nay, đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ thập niên 1980 của thế kỷ trước. Ngân hàng đầu tư này dự báo Saudi Arabia nói riêng và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nói chung sẽ “lấp đầy” khoảng trống nguồn cung dầu mỏ, do đầu tư vào các nguồn khai thác mới chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự sụp đổ của giá “vàng đen” và dịch COVID-19.
J.P. Morgan cho rằng sự thay đổi mô hình tiêu thụ dầu mỏ cũng sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ giảm 3 triệu thùng/ngày trong thập niên này so với các dự báo trước đó. Riêng trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu sẽ chỉ ở mức 91 triệu thùng/ngày, đồng thời nhu cầu tiêu thụ chỉ phục hồi trở lại mức trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 (tức 100 triệu thùng/ngày) vào tháng 11/2021.
Nhà phân tích Christyan Malek thuộc J.P. Morgan dự báo, giá dầu Brent có thể tăng lên 60 USD/thùng trong vòng 2 năm tới do đầu tư dầu mỏ sụt giảm và nhiều mỏ dầu phải đóng cửa. Do đó, Saudi Arabia sẽ là quốc gia hưởng lợi nhất với chi phí sản xuất thấp và năng lực dư thừa, qua đó có thể giúp bù đắp lượng “vàng đen” thiếu hụt trên thị trường. Theo chuyên gia Malek, Saudi Arabia sẽ dẫn đầu trong cuộc đua thị phần với các nước ngoài OPEC và Mỹ.
Đối với Mỹ, J.P. Morgan dự báo sản lượng dầu đá phiến của nước này sẽ chỉ tăng nhẹ trong thập niên này lên ngưỡng 11 triệu thùng/ngày vào năm 2030, so với mức 10,9 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trước khi giá dầu sụt giảm mạnh, sản lượng dầu đá phiến Mỹ được dự báo có thể chạm mức 17 triệu thùng/ngày vào cuối thập niên này.