Đồng
nhân dân tệ của Trung Quốc và đôla Mỹ đang được sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết
tại CHDCND Triều Tiên bất chấp những nghiêm lệnh của chính quyền. Theo
hãng tin Reuters, việc sử dụng đôla Mỹ và đồng tệ Trung Quốc đã tăng mạnh kể từ
khi Triều Tiên định giá lại đồng won vào năm 2009, xóa sổ phần lớn các khoản tiết
kiệm của hàng triệu người dân nước này.
Tiền giấy won của Triều Tiên.
|
Trang
Daily NK, một trang web thông tin về Triều Tiên có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc)
cho biết, trên thị trường “chợ đen”, đồng won Triều Tiên đã mất giá trị tới hơn
99% so với đôla Mỹ kể từ sau sự kiện định giá lại đồng nội tệ.
Triều
Tiên là một trong những quốc gia có nền kinh tế khép kín nhất thế giới, vì vậy
rất khó để xác định ảnh hưởng của sự mất giá này tới đâu đối với chính quyền của
nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Tuy vậy, các chuyên gia Hàn Quốc cho rằng, việc gia
tăng sử dụng ngoại tệ, dù là kín đáo, đang khiến Bình Nhưỡng khó thực hiện các
chính sách kinh tế, khi nó dẫn tới hình thành một nền kinh tế tư nhân bên ngoài
tầm kiểm soát của nhà nước. Thậm chí, hiện tại Bình Nhưỡng dường như đang đầu
hàng, thay vì tìm cách trấn áp hoạt động sử dụng ngoại tệ.
Các
ước tính về lượng ngoại tệ được sử dụng tại Triều Tiên vẫn rất khác nhau, nhưng
trong một nghiên cứu công bố hồi tháng 4, một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu
kinh tế Samsung ở Seoul đã đưa ra con số 2 tỉ USD trên tổng giá trị nền kinh tế
21,5 tỉ USD của Triều Tiên.
Marcus
Noland, một chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế
Peterson ở Washington, cho rằng việc sử dụng đôla Mỹ và nhân dân tệ hiện tại đã
thâm nhập mạnh đến mức Bình Nhưỡng “hầu như không thể làm gì”. Theo ông Noland,
chính phủ sẽ gia tăng ép buộc người dân cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho nhà nước
để nhận lại đồng won, nhưng tình hình vẫn “ngày càng khó kiểm soát hơn”.
Tại
thị trấn Changbai, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, nằm bên kia biên giới với thành phố
Hyesan của Triều Tiên, một nhà buôn người Hoa cho biết, ông ngày càng có nhiều
giao dịch yêu cầu trao đổi bằng nhân dân tệ. Đồng tệ được trao đổi sẽ nhanh
chóng lưu hành ở Hyesan, thành phố 190.000 dân, nơi nền kinh tế dựa vào công nghiệp
đã suy sụp từ thập niên 1990. “Thứ duy nhất họ muốn là ngoại tệ”, một nhà buôn,
chuyên bán các sản phẩm trà và dược ở Changbai, nói.
Hồi
tháng 4, Daily NK còn đăng tải đoạn video được quay trước đó 2 tháng tại một
khu chợ trời ở Hyesan. Tại đây người bán hàng công khai nói giá bằng nhân dân tệ
cho các sản phẩm như găng tay, áo khoác, và một người đã nhận thanh toán bằng đồng
tệ.
Bình
Nhưỡng đã mở nhiều chiến dịch thường kỳ nhằm ngăn chặn sử dụng ngoại tệ nhưng
không thu được nhiều thành công. Theo Liên đoàn nhân quyền Quốc tế có trụ sở tại
Paris (Pháp), từ tháng 9/2012, Triều Tiên đã quy định lưu hành ngoại tệ là một
tội có thể bị phạt đến án tử hình.
T.H (Theo Reuters)