Người Kurd tại Syria đề nghị Mỹ, Pháp đưa quân bảo vệ biên giới phía Bắc

Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao người Kurd ở Syria cho biết, các cuộc thảo luận đang diễn ra về việc liệu lực lượng Mỹ và Pháp có thể đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ khu vực biên giới phía Bắc Syria hay không.

Chú thích ảnh
Các thành viên lực lượng đối lập Syria SDF sau khi chiếm quyền kiểm soát thành phố Deir el-Zor, miền Đông Syria ngày 7/12/2024. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Đây là một phần nỗ lực nhằm giảm căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd tại Syria được phương Tây hậu thuẫn.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo rằng họ sẽ thực hiện một chiến dịch xuyên biên giới vào Đông Bắc Syria nếu lực lượng người Kurd (YPG) không đáp ứng các yêu cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG, lực lượng dẫn đầu trong Liên minh Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn, là một tổ chức liên kết với đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm đã phát động cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt 40 năm qua.

SDF từng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria giai đoạn 2014-2017.

Hiện nhóm này vẫn đảm nhiệm việc giam giữ các tay súng IS tại các trại giam, nhưng vị thế của họ suy yếu kể từ khi các lực lượng đối lập do HTS lãnh đạo lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào ngày 8/12.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tuần này khẳng định sẽ không từ bỏ SDF, một trong nhiều lực lượng đối lập trong cuộc nội chiến kéo dài 13 năm tại Syria.

Phát biểu trên kênh TV5 Monde, ông Ilham Ahmed, đồng chủ tịch cơ quan đối ngoại của chính quyền người Kurd tại vùng lãnh thổ phía Bắc Syria, cho biết: "Mỹ và Pháp hoàn toàn có thể đảm nhận việc đảm bảo an ninh cho toàn bộ khu vực biên giới. Chúng tôi sẵn sàng để liên minh quân sự này nhận trách nhiệm".

Ông Ahmed nhấn mạnh rằng lực lượng này đề nghị Pháp triển khai binh sĩ đến biên giới này để đảm bảo khu vực phi quân sự, hỗ trợ YPG bảo vệ khu vực và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện tại, Bộ Ngoại giao Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra phản hồi trước các yêu cầu bình luận tử Reuters.

Không rõ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp nhận sáng kiến này như thế nào, đặc biệt khi nước này đã dành nhiều năm để bảo vệ biên giới khỏi các mối đe dọa từ Syria và tuyên bố sẽ tiêu diệt YPG.

Ông Ahmed cho biết, ngay khi Pháp thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận sự hiện diện của họ tại biên giới, hai bên có thể bắt đầu tiến trình hòa bình. Ông cũng bày tỏ hy vọng mọi việc sẽ được giải quyết trong vài tuần tới.

Một nguồn tin am hiểu với vấn đề này xác nhận rằng các cuộc thảo luận đang diễn ra nhưng từ chối tiết lộ mức độ khả thi của sáng kiến này.

Mỹ đã làm trung gian trong các nỗ lực ngừng bắn giữa các nhóm do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và SDF sau khi giao tranh bùng phát khi lực lượng đối lập tiến vào Damascus và lật đổ chính phủ của ông Assad.

Tại cuộc họp báo ở Paris cùng Ngoại trưởng Mỹ sắp mãn nhiệm Antony Blinken, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận về vấn đề này đang diễn ra.

Ngoại trưởng Barrot tuyên bố: "Người Kurd tại Syria cần có vị trí trong tiến trình chuyển đổi chính trị. Chúng tôi nợ họ điều này vì họ từng là đồng minh chiến đấu chống lại IS".

Ông đồng thời cho biết thêm Pháp sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo các mối lo ngại chính đáng về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ được giải quyết, đồng thời bảo vệ quyền lợi và an ninh của người Kurd tại Syria để họ tham gia vào việc xây dựng tương lai của đất nước.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken ngày 8/1, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo SDF tiếp tục nhiệm vụ giam giữ hơn 10.000 tay súng IS, coi đây là lợi ích an ninh chính đáng đối với cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông cho biết Mỹ đang nỗ lực giải quyết những quan ngại của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria nhằm ngăn cản nước này leo thang chiến dịch tấn công chống người Kurd.

Ngoại trưởng Blinken cho biết ông kỳ vọng chính quyền sắp nhậm chức của ông Donald Trump cũng sẽ thể hiện quan tâm rất mạnh mẽ tới việc đảm bảo rằng tổ chức IS không trỗi dậy một lần nữa. Một phần quan trọng để đạt được điều đó là đảm bảo cho phép SDF tiếp tục công việc mà họ đã làm.

Hiện Mỹ có khoảng 2.000 binh sĩ tại Syria phối hợp với SDF nhằm ngăn chặn IS hồi sinh.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Middleeastmonitor/Reuters)
Ngoại trưởng Pháp: EU sẽ sớm dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Syria
Ngoại trưởng Pháp: EU sẽ sớm dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt Syria

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot ngày 8/1 cho biết các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) ở Syria, vốn gây cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo và ngăn cản sự phục hồi của quốc gia Trung Đông này, có thể được dỡ bỏ nhanh chóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN