Người Kurd Syria 'kẹt' giữa COVID-19 và Thổ Nhĩ Kỳ

Một lệnh ngừng bắn mong manh ở Đông Bắc Syria đang đặt người Kurd tại đây vào cảnh nơm nớp trước cơn đại dịch COVID-19 và mối họa bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công trở lại.

Chú thích ảnh
Người Kurd ở Syria đang kẹt giữa hai nguy cơ, đại dịch và súng đạn. Ảnh: AFP

Các phiến quân được người Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cuối cùng đã mở lại một trạm bơm ở Đông Bắc Syria hôm 26/3, khôi phục cung cấp nước sạch cho hàng trăm ngàn người Syria ở một khu vực được đánh giá là chưa được chuẩn bị để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Khu vực Đông Bắc Syria đã bị chia tách giữa các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và lực lượng do người Kurd dẫn đầu kể từ khi Ankara đưa quân vào kiểm soát khu vực này hồi tháng 10/2019. Một lực lượng phối hợp gồm cả Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hiện đang tham gia gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, khu vực bị phân mảnh này có thể chưa sẵn sàng đối phó với dịch bệnh COVID-19 đã càn quét khắp các vùng còn lại của thế giới.

Các lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã đóng cửa trạm bơm Allouk từ ngày 22/3, khiến 400.000 dân ở khu vực do người Kurd kiểm soát không có nước sạch. Việc đóng cửa trong 4 ngày này một cuộc thử nghiệm vô tình cho tình huống khủng hoảng mà dịch COVID-19 và cuộc nội chiến có thể mang đến cho vùng đất cuối cùng của người Kurd tại Syria.

Ông Fran Equiza, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Syria, cảnh báo: “Việc ngắt nguồn cung nước sạch trong lúc diễn ra các nỗ lực ngăn sự lây lan của COVID-19 khiến trẻ em và các gia đình đứng trước nguy cơ lớn không thể chấp nhận được” và lưu ý “rửa tay bằng xà phòng là rất quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19”.

Chú thích ảnh
Nữ nhân viên an ninh người Kurd tại Đông Bắc Syria.

Trạm bơm Allouk đã bị đóng cửa trong một cuộc tranh cãi giữa phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Các quan chức địa phương cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng nước sạch làm quân bài mặc cả để có được nguồn cung điện từ các khu vực do người Kurd kiểm soát. Trong khi đó, một hãng truyền thông địa phương gọi cho Trung tâm Thông tin Rojava cho biết, các phiến quân lấy cớ COVID-19 để ngăn chặn các kỹ sư tiếp cận trạm bơm nước.

Nhà máy nước cuối cùng đã trở lại hoạt động bình thường hôm 26/3, theo Trung tâm thông tin Rojava và nhà ngoại giao người Kurd Sinam Mohamad.

Nhưng thiếu nước không phải là vấn đề duy nhất mà giới chức địa phương đối mặt.

Dilgesh Issa, một điều phối viên y tế của Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ người Kurd, nói với tạp chí National Interest rằng vẫn có các loại đồ bảo hộ khác nhau như là khẩu trang và quần áo, nhưng số lượng tùy thuộc vào loại. “Có một số sản phẩm có sẵn với giá ổn, số khác thì khan hiếm, và có loại gần như không thể mua được. Tình trạng này là do nhu cầu toàn cầu đối với các mặt hàng phòng dịch và slệnh phong tỏa từ trước được áp đặt lên khu vực”.

Chú thích ảnh
Các khu vực tị nạn của người Kurd cũng đứng trước nguy cơ cao nếu dịch bệnh tràn tới. Ảnh: Reuters

Khu vực này có thể rơi vào tình hình tệ hại hơn nữa nếu bệnh dịch lan tràn không kiểm soát được. Các giới chức người Kurd hiện đang thực hiện phong tỏa toàn khu vực. Nhưng họ phải thông qua Tổ chức Y tế Thế giới hoặc chính quyền trung ương Syria thì mới có thể tiếp cận được các bộ kit xét nghiệm – công cụ cần thiết cho việc theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.

Tiến sĩ Menal Mohammad, một quan chức thuộc chính quyền tự quản dân chủ do người Kurd kiểm soát, nói rằng giới chức y tế địa phương mới xét nghiệm 4 người và những người này cho kết quả âm tính.

Theo bà Menal, chính quyền tự trị người Kurd chỉ có “khoảng 30 giường bệnh tại phòng điều trị tích cực" và 10 máy thở. Trong khi đó, Trung tâm Thông tin Rojava có tới 4 triệu người dân sống ở vùng Đông Bắc Syria, nhưng họ chỉ có khoảng 40 máy thở. Dựa trên những phân tích từ thực tế thì khoảng 5% những người mắc COVID-19 cần được chăm sóc đặc biệt.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo National Interest)
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 28/3: Thế giới gần 27.000 người tử vong, Mỹ vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm
Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 28/3: Thế giới gần 27.000 người tử vong, Mỹ vượt ngưỡng 100.000 ca nhiễm

Lại một ngày nữa đại dịch COVID-19 khiến thế giới bàng hoàng khi số ca nhiễm vọt lên trên 590.000, trong đó gần 27.000 người tử vong. Số ca tử vong tại Italy lập kỷ lục mới với 919 người/ngày, trong khi Mỹ ghi nhận thêm trên 15.000 người nhiễm mới, vượt qua ngưỡng 100.000 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN