'Người khổng lồ' vũ khí Đức sẽ sản xuất xe tăng, hệ thống phòng không và đạn dược ở Ukraine

Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, dự định sẽ sản xuất xe tăng, hệ thống phòng không và đạn dược ở Ukraine phục vụ kế hoạch trung và dài hạn.

Chú thích ảnh
Mỹ và châu Âu đang cung cấp lượng khổng lồ vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine. Ảnh: Getty Images

Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, dự định sẽ sản xuất xe tăng, hệ thống phòng không và đạn dược ở Ukraine trong tương lai - Giám đốc điều hành công ty Armin Papperger cho biết vào ngày 9/5, theo hãng tin RND của Đức.

Ông Papperger cho biết trong những tuần tới, Rheinmetall sẽ ký một số thỏa thuận hợp tác và thành lập liên doanh với một loạt công ty Ukraine.

Theo vị CEO của Rheinmetall, các liên doanh này sẽ liên quan đến việc sản xuất phương tiện chiến đấu, hệ thống phòng không và đạn dược.

"Bằng cách này, chúng tôi đang tạo cơ hội cho Ukraine tự bảo vệ mình trong trung và dài hạn; đầu tư vào các nhà máy mới sẽ đến từ nhà nước Ukraine", ông Papperger nói.

Quan chức Rheinmetall đã trích dẫn kế hoạch chế tạo xe tăng chiến đấu chủ lực Panther ở Ukraine.

Theo ước tính của ông, liên doanh dự kiến có thể sản xuất tới 400 xe tăng Panther hàng năm. Giám đốc điều hành Rheinmetall nói thêm rằng các cuộc đàm phán sơ bộ với Kiev về dự án này là “đầy hứa hẹn”.

Ý tưởng Rheinmetall sản xuất xe tăng ở Ukraine lần đầu được công bố trong cuộc trả lời phỏng vấn của ông Armin Papperger với tờ báo Thụy Sĩ Neue Zürcher Zeitung hôm 15/3. Khi đó, đại diện công ty quốc phòng lớn nhất của Đức Rheinmetall đã nói về ý tưởng xây dựng một nhà máy sản xuất xe tăng ở Ukraine và trình bày ý tưởng này với chính phủ liên bang. Chính phủ Ukraine sẽ phải phê duyệt dự án trước khi việc xây dựng có thể bắt đầu. Cơ sở này sẽ không thuộc sở hữu của Rheinmetall, thay vào đó công ty sẽ cho thuê nó.

Chú thích ảnh
Tổng thống Zelensky gặp người đứng đầu tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall, Armin Papperger ở Kiev. Ảnh:Văn phòng Tổng thống Ukraine

Khi đó, ông Papperger nói: “Chúng ta phải cho Ukraine cơ hội để tự bảo vệ mình. Một nhà máy như thế này không thể xây dựng trong ngày một ngày hai, vì vậy chúng ta cần bắt đầu lập kế hoạch ngay bây giờ. Chúng tôi sẽ không tài trợ cho công việc này, việc này nên được thực hiện bởi Ukraine hoặc một quốc gia khác sẽ cung cấp hỗ trợ cho họ”.

Trước đó, ông Papperger nói rằng dự án sẽ tiêu tốn khoảng 212 triệu USD.

Vị quan chức này gần đây cũng nói rằng riêng Rheinmetall có thể sản xuất đủ đạn pháo để đáp ứng nhu cầu của Ukraine, nếu các chính phủ thành viên EU đặt hàng và tài trợ cho việc mở rộng dây chuyền sản xuất.

Hôm 14/3, Hội đồng Châu Âu đã công bố quyết định chuyển thêm 2 tỷ euro vào Quỹ Hòa bình châu Âu của EU, quỹ này sẽ được các quốc gia thành viên EU sử dụng để cùng mua đạn dược cung cấp cho quân đội Ukraine. Trung bình Ukraine sử dụng từ 60.000 đến 210.000 quả đạn/tháng, trong khi ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu chỉ sản xuất được 25.000 quả/tháng. Trong khi đó, các lực lượng của Nga bắn 20.000-60.000 quả đạn pháo mỗi ngày.

Tập đoàn Rheinmetall đang trên đà phát triển mạnh mẽ, do nhu cầu toàn cầu về vũ khí ngày càng tăng trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ông Papperger cho biết công ty kỳ vọng năm 2023 sẽ là "năm tốt nhất trong lịch sử của công ty về lượng đơn đặt hàng."

Vị Giám đốc điều hành cho biết tập đoàn vũ khí của ông có năng lực rất lớn về đạn dược cho xe tăng và pháo binh. Rheinmetall hiện sản xuất 150.000 viên đạn xe tăng và tới 600.000 viên đạn pháo mỗi năm.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The New Voice of Ukraine)
Ukraine xác nhận lữ đoàn súng trường cơ giới Nga chạy khỏi Bakhmut
Ukraine xác nhận lữ đoàn súng trường cơ giới Nga chạy khỏi Bakhmut

Quân đội Ukraine xác nhận rằng Lữ đoàn Súng trường cơ giới riêng biệt số 72 của Nga đã chạy khỏi Bakhmut, như tuyên bố trước đó. của ông Prigozhin - thủ lĩnh công ty quân sự tư nhân Nga Wagner Group.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN