Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, qua ứng dụng Toss của công ty khởi nghiệp Hàn Quốc Viva Republica, người sử dụng chỉ cần đi bộ 10.000 bước, hoàn thành các nhiệm vụ như đăng ký mạng xã hội hoặc chỉ cần nhấn vào màn hình khi có những người sử dụng khác ở gần là có thể thu về 10 xu mỗi lần.
Toss vốn là một app tài chính với nhiều tính năng như chuyển tiền, bảo hiểm, đầu tư và giao dịch cổ phiếu, cho vay… Viva Republica cho biết kể từ tháng 1 đến nay có khoảng 4,4 triệu người sử dụng đã dùng tính năng tặng tiền trong Toss. Bên cạnh đó, số lần người sử dụng mở app này trong điện thoại đã tăng 30%.
Toss đã trở thành ứng dụng tiên phong trong xu hướng các doanh nghiệp thu hút người sử dụng qua tặng tiền hoặc tặng điểm trên ứng dụng điện thoại (app). Những app này đang gia tăng phổ biến tại Hàn Quốc, nơi đang ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên và lạm phát tăng.
Trong một khảo sát gần đây do công ty Incruit (Hàn Quốc) thực hiện, có 3/4 người trưởng thành cho biết họ kiếm được tiền từ các ứng dụng như vậy.
Nhân viên văn phòng Baek Na-young (27 tuổi) chia sẻ: “Tôi mới chỉ kiếm được 150 won (0,11 USD) nhưng vẫn lên kế hoạch duy trì để có tiền mua cà phê hoặc sử dụng app chi trả cho thứ gì đó”.
Ông Han Sun-jae (77 tuổi) đã về hưu chia sẻ đã kiếm được 50.000 won (37,91 USD) qua Toss. Đứng bên ngoài Bảo tàng Nghệ thuật Seoul, nơi nhân viên văn phòng thường tụ tập vào giờ ăn trưa, ông Han Sun-jae kể: “Con gái tôi làm việc gần đây và nói với tôi rằng có rất nhiều người tập trung tại đây. Do vậy, tôi có thể kiếm thêm tiền ở đây”.
Các chuyên gia đánh giá xu hướng này cho thấy người dân đang cố gắng hơn nữa nhằm vượt qua tình hình kinh tế ngày càng khó khăn. Chỉ số giá tiêu dùng tại Hàn Quốc năm 2022 tăng 5,1% so với năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 1998 với giá thực phẩm và vận tải tăng lần lượt 5,9% và 9,7%.
Theo dữ liệu của Statistics Korea vào tháng 2 vừa qua, khoảng 497.000 người trong độ tuổi từ 15-29 cho biết họ đang tạm nghỉ làm và chưa tìm công việc mới. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2003.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng việc trao dữ liệu để đổi lấy cơ hội kiếm vài xu có thể dẫn đến rủi ro thông tin nhạy cảm cá nhân bị chia sẻ với bên thứ ba.
Giáo sư Lee Eun-hee tại Đại học Inha nhận định: “Mặc dù nỗ lực kiếm tiền tiêu vặt là đáng khen ngợi nhưng nó cũng khiến mọi người không có khả năng tự vệ trước việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Điều khôn ngoan là cân nhắc cả hai mặt của vấn đề”.