Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết tính riêng năm 2022 có khoảng 20 chương trình hẹn hò thực tế được trình chiếu qua các kênh truyền hình cáp tại Hàn Quốc cũng như nền tảng phát video trực tiếp, gấp 3 lần năm 2021.
Số chương trình kết đôi người trẻ độc thân này đang trở nên thừa thãi nhưng nó cũng phản ánh việc Hàn Quốc ngày càng chấp nhận những mối quan hệ không truyền thống, không xoay quanh kết hôn và tạo tổ ấm mới.
Một ví dụ như chương trình "Living Together without Marriage" tập trung vào các cặp đôi lựa chọn không kết hôn. Hay chương trình khác lại có nhân vật chính là những người từng ly hôn và muốn tìm kiếm tình yêu một lần nữa.
Giám đốc sản xuất của "Living Together without Marriage" - bà Kim Jin cho biết chương trình được phát sóng vào tháng 1 không chủ trương ủng hộ việc chung sống không kết hôn hoặc can ngăn kết hôn. Bà Kim Jin chia sẻ: “Bằng cách kể lại phong cách sống của những cặp đôi này và lý do dẫn đến quyết định của họ, chúng tôi muốn đưa chủ đề này đến sự chú ý của xã hội”. Việc các căp đôi sống chung không kết hôn cũng không còn là điều gây ngạc nhiên tại Hàn Quốc.
Kết hôn hay không kết hôn là yếu tố gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa cặp đôi Cho Sung-ho và Lee Sang-mi vốn là nhân vật trong chương trình "Living Together without Marriage". Họ đã sống chung 10 năm và đối với người mẫu Lee Sang-mi (32 tuổi), quyết định chung sống nhưng không kết hôn là một lựa chọn không bị ràng buộc bởi truyền thống. Cô cũng không vội vã sinh con và cho rằng việc vừa là một bà mẹ tốt vừa sống thực với bản thân là “bất khả thi trong thực tế”.
Lee Sang-mi bộc bạch: “Tôi vô cùng thoải mái với hiện tại và cũng không hiểu tại sao cần kết hôn và gánh thêm nhiều nghĩa vụ khác như thăm bố mẹ hai bên vào kỳ nghỉ lễ”. Trong khi đó, Cho Sung-ho cũng 32 tuổi lại mang hy vọng về kết hôn và lập gia đình. Nhưng anh hiểu về sự lưỡng lự của bạn gái bởi phụ nữ vẫn là phía chịu nhiều gành nặng hơn trong nuôi con cái.
Trong khi chương trình về hẹn hò và các mối quan hệ tăng mạnh tại Hàn Quốc thì mức độ phổ biến của hôn nhân và háo hức đối với việc làm cha mẹ đã lao dốc. Mất cân bằng giới tính và chi phí nuôi con cái tăng vọt là những nguyên nhân chính.
Sự thờ ơ của giới trẻ Hàn Quốc với việc kết hôn và sinh con được thể hiện rõ qua các số liệu thống kê. Trong 5 năm qua, số cặp đôi mới kết hôn tại nước này giảm 23%. Bên cạnh đó, ngày 22/2, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) công bố số liệu cho thấy có tổng cộng 249.000 trẻ chào đời trong năm 2022, giảm 4,4% so với mức ghi nhận năm 2021. Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc năm 2022 - số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời - là 0,78. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi KOSTAT bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan.
Và trong khi các chương trình thực tế lãng mạn có thể đang thịnh hành, một số lượng đáng kể người Hàn Quốc lại đang tránh xa các mối quan hệ. Hiệp hội Dân số, Sức khỏe và Phúc lợi Hàn Quốc đã thực hiện khảo sát trong năm 2022 với 1.000 người tham gia, có đến 2/3 người độc thân trong độ tuổi từ 19-34 cho biết họ không trong một mối quan hệ. Trong đó, 61% nữ giới và 48% nam giới cho biết họ không có khát vọng tìm bạn gái hoặc bạn trai trong tương lai.
Giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook (Hàn Quốc) Lim Myung-ho đánh giá các đối thoại trong chương trình hẹn hò là tốt đối với nước này. Ông đánh giá: “Chính phủ và xã hội cần có nỗ lực trong thúc đẩy thái độ tích cực hơn đối với hẹn hò, hôn nhân và những chương trình thực tế có thể hỗ trợ điều này”.