Sách nói 'hớp hồn' độc giả Hàn Quốc

Kim Se-hee đặt cam kết năm mới là giảm thời gian “chu du” mạng xã hội và đọc nhiều sách hơn. Tuy nhiên, cô gặp nhiều khó khăn trong việc dành thời gian tập trung đọc sách sau giờ làm việc.

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm sách tại Seoul tháng 10/2022 nghe một cuốn sách nói. Ảnh: Yonhap

Nữ nhân viên văn phòng 38 tuổi này quyết định tìm kiếm phương pháp vừa hợp túi tiền vừa khả thi để thực hiện được mục tiêu năm mới của bản thân. Sau đó, cô đã đăng ký Welaaa, ứng dụng sách nói trên điện thoại thông minh.

Kể từ đó đến nay, cô Kim Se-hee đã “đọc” xong một vài cuốn sách trong quá trình trên tàu điện trở về nhà. Trong đó là những cuốn “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupery, “Bách hóa giấc mơ của ngài Dollargut” của tác giả Lee Mi-ye cùng một vài cuốn sách kinh doanh.

Cô chia sẻ: “Tôi thường xem tin tức qua điện thoại khi ở trên tàu điện ngầm, tuy nhiên bây giờ tôi nghe sách nói bằng tai nghe. Tôi cảm thấy bản thân đã sử dụng thời gian một cách khôn ngoan hơn. Nghe sách nói thường tốn nhiều thời gian hơn đọc sách nhưng nghe giọng đọc thú vị hơn việc chỉ đọc chữ”.

Cô Kim Se-hee là một trong nhiều người lựa chọn nghe sách nói tại nhà, trên xe ô tô hoặc ở ngoài trời nhờ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, loa thông minh… Một số người đơn giản chỉ muốn được thư giãn, nghe chuyện hay trong khi đó thế hệ bận rộn sinh ra trong giai đoạn từ 1980 đến đầu những năm 2000 muốn tiếp cận nội dung thông tin để bắt kịp với hệ tư tưởng của thời đại trong một thế giới bão hòa thông tin.

Sách nói được sử dụng rộng rãi trong các quốc gia nói tiếng Anh. Cách đây một thập niên, chỉ có một số lượng hạn chế sách nói xuất hiện tại Hàn Quốc, phần lớn dành cho người khiếm thị.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) cho biết thị trường sách nói đã phát triển trong những năm gần đây khi các công ty khởi nghiệp địa phương muốn đưa ra các nội dung tiếng Hàn Quốc đa dạng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là khi mọi người dành nhiều thời gian hơn tại nhà trong đại dịch COVID-19.

Để thu hút những người muốn đọc tiểu thuyết kinh điển, Welaaa đã tung ra bộ sưu tập 100 tác phẩm văn học của thế giới và nhận được phản hồi khá tích cực từ những người sử dụng ứng dụng này. Theo dữ liệu của Welaaa, người sử dụng ứng dụng này đã nghe sách nói trong trung bình 10,2 tiếng đồng hồ và tiểu thuyết “Một chín tám tư” của nhà văn người Anh George Orwell đứng đầu danh sách.

Ông Moon Tae-jin - CEO của Influential, công ty mẹ của Welaaa, cho biết: “Bộ sưu tập văn học thế giới được tạo thành sách nói có sẵn mọi lúc, mọi nơi và những người thu âm sách chuyên nghiệp mang đến trải nghiệm sâu sắc hơn về các tác phẩm”.

Chú thích ảnh
Poster của phim âm thanh “Chào mừng đến cửa hiệu sách Hyunam-dong”. Ảnh: Yonhap

Với thực tế nhu cầu nội dung sách nói ngày càng phát triển, các nhà xuất bản điện tử đang tiếp tục khám phá phương thức mới để thu hút sự chú ý của người nghe.

Vào tháng 10/2023, nền tảng sách điện tử hàng đầu Hàn Quốc là Millie's Library đã phát hành phim âm thanh có tên “Chào mừng đến cửa hiệu sách Hyunam-dong” với các diễn viên Oh Yeon-seo và Lee Su-hyuk. Phim âm thanh này dựa trên tiểu thuyết cùng tên với 15 tập có thời lượng 10 phút mỗi tập.

Nội dung này đã thu hút chú ý đặc biệt khi Millie's Library hợp tác với nền tảng phát nhạc trực tuyến Genie Music của công ty viễn thông KT để áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra giọng đọc cho 8 trong 18 nhân vật.

Kim Tae-hyung, giám đốc kinh doanh nội dung tại Millie's Library, chia sẻ trong một cuộc họp báo: "Cuốn sách bán chạy nhất trên Millie's Library hiện đã có dưới dạng phim âm thanh với giọng nói của các diễn viên ngôi sao. Điều có ý nghĩa là nội dung được sản xuất với sự cộng tác của Genie Music để tối đa hóa sức mạnh tổng hợp về chuyên môn của hai công ty".

Chú thích ảnh
Poster của phim âm thanh "Reverse". Ảnh: Yonhap

Các công ty công nghệ lớn cũng đã giới thiệu các loại nội dung giải trí không màn hình để chiếm một phần thị trường mới nổi. Trang mạng Naver đã phát hành phim âm thanh thông qua dịch vụ phát nhạc trực tuyến Naver Vibe, với sự tham gia của các diễn viên chuyên nghiệp. Vào tháng 11, Naver Vibe đã phát hành phim âm thanh "Reverse" do Lee Sun-bin, Lee Jun-hyuk và Dasom thuyết minh, dự án thứ ba sau "Far East" và "The Floor". Phim âm thanh này sử dụng Dolby Atmos, một công nghệ âm thanh vòm được phát triển cho các rạp chiếu phim, để mang đến một câu chuyện hấp dẫn chỉ bằng âm thanh.

Mặc dù phim âm thanh được phát trực tuyến còn tương đối mới mẻ đối với thính giả trẻ tuổi, nhưng một số người coi chúng là phiên bản của phim nhiều tập trên đài phát thanh rất nổi tiếng vào những năm 1960 và 1970 tại Hàn Quốc. Đạo diễn của bộ phim, ông Im Kwon-joong phát biểu trong một cuộc họp báo: “Tôi không chắc chắn về dự án phim âm thanh nhưng đã chấp nhận lời mời tham gia để có thể cung cấp một hình thức giải trí mới cho khán giả”.

Hà Linh/ Báo Tin tức (Theo Yonhap)
Nga: Nhiều tiếng nói trái chiều sau sự kiện sinh viên dùng ChatGPT làm luận văn tốt nghiệp
Nga: Nhiều tiếng nói trái chiều sau sự kiện sinh viên dùng ChatGPT làm luận văn tốt nghiệp

Chỉ với 23 tiếng với sự trợ giúp của phần mềm ChatGPT trang bị trí tuệ nhân tạo (AI), một sinh viên Nga đã hoàn thành luận văn tốt nghiệp thay vì hàng tuần như các sinh viên khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN