Trong ba ngày qua, Howeida al-Hassan và gia đình cô chỉ sinh hoạt dưới tầng 1 của ngôi nhà ở thủ đô của Sudan, nằm ngủ trên sàn trong âm thanh rền vang tiếng súng và pháo kích xung quanh.
Đây là cuộc sống của hàng triệu người Sudan bị mắc kẹt trong chính nhà mình kể từ khi xung đột bất ngờ nổ ra vào cuối tuần qua giữa các lực lượng trung thành với hai vị tướng hàng đầu của đất nước. Cuộc sống của người dân đã rơi vào thế bế tắc khi chiến sự đã lan đến các khu dân cư đông đúc.
Đối với nhiều người, nguồn cung cấp thực phẩm đã cạn kiệt vì việc ra ngoài để mua đồ là quá nguy hiểm. Chính vì vậy, sự chia sẻ giữa những người hàng xóm trong lúc hoạn nạn khó khăn trở nên cần thiết.
Trên mạng xã hội, liên tục xuất hiện các bài đăng cung cấp thông tin về các hiệu thuốc và cửa hàng tạp hóa vẫn mở cửa và có thể bán các mặt hàng thiết yếu cho những người bị mắc kẹt. Những người khác đăng số điện thoại hoặc địa chỉ nhà của họ, ngỏ ý tiếp nhận bất kỳ ai bị mắc kẹt bên ngoài giữa làn súng đạn.
Hiện người dân mong mỏi ít nhất có lệnh ngừng bắn tạm thời để họ có thể dự trữ thực phẩm thiết yếu, thuốc men hoặc di chuyển đến các khu vực an toàn hơn. Các phương tiện truyền thông đưa tin hai bên đã đồng ý ngừng giao tranh trong 24 giờ vào ngày 18/4, nhưng khi thời điểm ngừng bắn có hiệu lực, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt ở các khu vực của thành phố.
Gần 12 triệu trong tổng số 46 triệu dân của Sudan sống ở khu vực thủ đô, nơi tập trung hầu hết các cuộc giao tranh.
Do đụng độ nên nhiều thi thể bị bỏ lại trên đường phố và không thể thu hồi. Chính vì vậy, cũng khó xác định được chính xác bao nhiêu người đã thiệt mạng. Hiệp hội Bác sĩ Sudan cho biết ít nhất 144 thường dân đã thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Theo số liệu của Liên hợp quốc, ít nhất 185 người thiệt mạng và 1.800 người bị thương trong xung đột.
Al-Hassan, một bác sĩ phụ khoa sống ở khu phố al-Fayhaa phía Đông Khartoum, cho biết gia đình cô tránh xa cửa sổ vì có thể bị thương hoặc thậm chí mất mạng vì súng đạn. Al-Hassan miêu tả các lực lượng của cả hai bên đi dọc các con phố, trang bị súng máy và vũ khí tự động.
“Họ công khai nổ súng vào nhau. Đạn lạc găm vào nhà dân”, nữ bác sĩ chia sẻ.
Nhà của Al-Hassan không có nước máy hoặc điện kể từ khi bạo lực nổ ra. Họ phải sạc điện thoại trong ô tô để cập nhật những tin tức mới nhất.
Cuộc giao tranh là một đòn giáng mới vào nền kinh tế vốn đang sa sút của Sudan. Theo LHQ, gần 16 triệu người, tương đương 1/3 dân số của đất nước, đang cần viện trợ nhân đạo, trong đó có khoảng 11,7 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng.
Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Türk cho biết: “Hàng nghìn người dân đang bị mắc kẹt trong nhà của họ, không có điện, không thể mạo hiểm ra ngoài và lo lắng về việc hết thức ăn, nước uống và thuốc men”.
Ở một quận khác của Khartoum, Farah Abbas cho biết gia đình ông may mắn vì họ đã dự trữ lương thực, bao gồm bột mì, gạo, dầu và các nhu yếu phẩm khác trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. “Đây là một truyền thống hàng năm. Mỗi tháng Ramadan, chúng tôi mua bột mì, gạo, dầu và các nhu cầu khác để trang trải cho cả tháng”, ông Farah nói.
Tuy nhiên, người đàn ông 65 tuổi này và vợ không thể đi kiểm tra sức khỏe định kỳ mặc dù gặp các biến chứng sức khỏe liên quan đến tuổi tác. Ông miêu tả khu phố Mamoura vắng tanh, không ai dám ra ngoài.
Một trong những người con trai của ông Farah đã thiệt mạng vào năm 2019 khi quân đội và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) - lúc đó là đồng minh của nhau - xông vào một trại biểu tình bên ngoài trụ sở chính của quân đội ở Khartoum. Trên 120 người đã thiệt mạng.
Năm 2021, các nhà lãnh đạo của quân đội và RSF một lần nữa bắt tay trong một cuộc đảo chính chống lại một chính phủ chuyển tiếp.
Ông Farah nói rằng trong hai tháng qua, có bằng chứng rõ ràng rằng hai lực lượng đang bất hòa và chiến tranh đang đến gần. "Nó chỉ là vấn đề thời gian thôi”, ông Farah ngậm ngùi.