Người dân Palestine trong một cuộc biểu tình tại Nablus, khu Bờ Tây ngày 7/12/2017. Ảnh: THX/TTXVN |
Người dân Palestine cho rằng điều này có thể hủy hoại giải pháp hai nhà nước đối với cuộc xung đột Palestine-Israel.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, đụng độ đã bùng phát tại Dải Gaza và Bờ Tây ngày 23/2 khi nhiều người Palestine xuống đường tham gia cuộc biểu tình hàng tuần phản đối lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump về quy chế của Jerusalem. Những người biểu tình đã ném đá vào binh sĩ Israel. Theo các nguồn tin y tế, 25 người Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại Gaza. Giới chức y tế Palestine cho hay, ít nhất 20 người Palestine, chủ yếu tại Gaza, đã thiệt mạng trong khi tuần hành phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Trump kể từ hôm 6/12/2017 tới nay.
Tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hồi tháng 12/2017 đã chọc giận giới lãnh đạo chính trị và tôn giáo trong khu vực và làm thất vọng các đồng minh châu Âu. Người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem - vốn bị Israel chiếm đóng vào năm 1967, sau đó sáp nhập vùng lãnh thổ này trong một động thái chưa bao giờ được cộng đồng quốc tế công nhận - là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Saeb Erekat nói rằng động thái của Mỹ đã thể hiện "quyết tâm vi phạm luật pháp quốc của Washington", hủy hoại giải pháp hai nhà nước, kích động tình cảm của người dân Palestine cũng như toàn thể người Arab, người Hồi giáo và người Thiên chúa giáo trên toàn cầu. Ông Erekat, người giữ vai trò nhà đàm phán trưởng của Palestine trong các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông vốn bị đóng băng từ năm 2014, nêu rõ: "Ông Trump và đội ngũ của ông đã làm cho nước Mỹ không còn là một phần của giải pháp giữa người Palestine và Israel. Thế giới hiện coi họ là một phần của vấn đề".
Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Abu Rdainah tuyên bố đề xuất của Tổng thống Abbas, được trình bày trong bài phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hôm 20/2, là cách duy nhất để đạt được hòa bình, an ninh và sự ổn định, cho rằng cần phải tổ chức một hội nghị quốc tế để tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông cũng như thúc đẩy một "cơ chế đa phương" nhằm giám sát tiến trình này. Còn ông Sami Abu Zuhri, một quan chức của phong trào Hồi giáo Hamas tại Gaza, nói rằng việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem là lời tuyên bố chiến tranh chống lại người Palestine, đồng thời kêu gọi Mỹ xem xét lại kế hoạch này.
Trước đó cùng ngày, một quan chức Mỹ cho biết nước này có kế hoạch mở Đại sứ quán tại Israel ở Jerusalem vào tháng 5 tới. Bộ trưởng Tình báo Israel, ông Israel Katz đã lập tức hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump mở Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem đúng dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Quy chế Jerusalem là vấn đề rất nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel-Palestine. Israel chiếm đóng Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.