Theo hãng tin Reuters (Anh), ông Berber đã trở thành một trong những biểu tượng sinh tồn kỳ diệu sau trận động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Người đàn ông 62 tuổi, mắc bệnh tiểu đường này được cứu sau hơn 1 tuần bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Các bác sĩ cho biết con người có thể sinh tồn ngay cả khi không có nước trong nhiều ngày. Nhưng ngoài ra còn có nhiều rủi ro - tuỳ thuộc vào mức độ thương tích và nhiệt độ bên ngoài. Lực lượng cứu hộ nói rằng bất cứ ai được cứu sống sau 5 ngày bị vùi lấp đều là phép màu.
Và trường hợp của ông Berber chính là một trong những điều kỳ diệu đó. Ông đã sống sót sau 187 giờ, tủ lạnh và tủ đồ đã chống đỡ các bức tường đổ sập, để lại khoảng trống quanh một chiếc ghế bành và thảm giúp ông giữ ấm.
“Khi động đất xảy ra, tôi lập tức bật dậy, cháu tôi đang ngủ bên cạnh. Tôi nhìn xung quanh, con trai tôi bật đèn, cầm đèn pin và nói 'Bố ơi, động đất rồi!’. Trong cơn dư chấn thứ hai, trần nhà đổ sập xuống, nhưng nó không đè xuống người tôi. Tôi ngay lập tức cúi và ngồi xuống. Bức tường đổ sập xuống tủ lạnh và tủ đồ. Tôi bị mắc kẹt ở giữa một chiếc ghế bành và một tấm thảm”, ông kể lại.
Ông Berber đang điều trị tại một Bệnh viện thành phố Mersin, cách tòa nhà 15 tầng bị sập của ông khoảng 250 km. Người đàn ông 62 tuổi kể lại ông từng nghĩ không có ai tới cứu mình.
“Tôi la hét, la hét và la hét. Không ai nghe thấy tôi. Tôi la hét nhiều đến mức cổ họng đau rát. Tôi nghĩ con trai tôi đã đưa bọn trẻ ra ngoài. Trong nhà có tổng cộng 5 người và tôi ở trong phòng ngủ”, ông kể lại.
Sau đó, ông tìm thấy một chai nước duy nhất và thuốc tiểu đường trên sàn. Sau khi dùng hết, ông đã phải uống nước tiểu của chính mình.
“Một giờ sau, tôi lấy chai nước và uống. Tôi đã đi vệ sinh vào đó, và uống khi trời lạnh. Nhờ đó, tôi tự cứu mình”, ông Berber nói.
Ông Berber nằm trên giường bệnh, xung quanh là âm thanh phát ra từ máy móc của bệnh viện. Người đàn ông cho biết ông từng nghĩ rằng sẽ không có ai cứu mình.
“Tôi trèo lên cạnh tủ và với tay lên trần nhà nhưng không thể chạm vào nó. Ở phía bên kia căn phòng, trần nhà sập xuống giường. Con trai tôi mang theo ba máy đào và họ đang đào. Tôi nghe thấy một giọng nói và hét lên”, ông Berber kể.
“Có người đưa tay ra và tôi nắm lấy. Họ kéo tôi khỏi đó. Cái lỗ chui ra rất nhỏ. Tôi không còn nhớ được điều gì sau khi họ kéo tôi ra. Tôi đã được cứu sống, muốn uống nước và ăn. Tôi đã không ăn bất cứ thứ gì khi kẹt ở đó”, ông Berber nói thêm.
Ông Caglar Aksoy Colak, chuyên gia y tế tại bệnh viện thành phố Mersin, cho biết các bác sĩ đang hỗ trợ điều trị cho ông Berber. Họ cho biết ông không bị gãy xương, tình trạng chung khá tốt.
“Ông ấy thực sự đã truyền cảm hứng cho chính mình ở đó. Bệnh nhân của chúng tôi xuất hiện trong tình trạng rất tốt”, bác sĩ nói.
Một thành viên của đội cứu hộ y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những người dưới đống đổ nát nhìn chung có thể sống sót tới 5 ngày. Anh nói: “Bất cứ trường hợp nào sống sót sau 5 ngày đều là một phép màu”.
Ông Deniz Gezer, chuyên gia nội khoa tại Bệnh viện thành phố Mersin, cho biết một trong những vấn đề lớn nhất đối với sự sống còn của nạn nhân là cảm lạnh.
“Một số bệnh nhân ở trong khu vực kín, vì vậy họ có thể sống dưới các tòa nhà, trong không gian kín nhỏ. Một số mang theo nước”, ông Gezer giải thích.
Bà Mohana Amirtharajah, cố vấn phẫu thuật của Medecins Sans Frontieres, cho biết tình trạng mất nước diễn ra nhanh hơn ở trẻ em. Khi được hỏi liệu uống nước tiểu có phải là một phương án sinh tồn hay không, Amirtharajah rằng bà không khuyến nghị điều đó.
“Có những trường hợp sống sót theo cách này. Tuy nhiên, theo thời gian, khi càng mất nước, nước tiểu sẽ đặc lại. Vì vậy, hàm lượng nước thực tế trong nước tiểu sẽ giảm xuống”, bà giải thích.