Theo kênh truyền hình RT, trong một thông báo ngày 13/6 của công ty cổ phần “Rừng Nhà nước Latvia” – cơ quan cấp phép cho người dân đi nhặt cành cây thừa từ hoạt động đốn cây, đơn xin đã tăng gấp 5 lần trong tháng qua.
Tuy nhiên, một đại diện của công ty – ông Edmunds Linde - đã cảnh báo rằng trong tương lai gần, lượng gỗ dư thừa từ hoạt động chặt cây mà người dân có thể sử dụng cũng có nguy cơ giảm.
“Xét điều kiện thị trường đối với gỗ dùng để sản xuất năng lượng, số lượng gỗ dư thừa ở một số khu vực trong rừng sẽ giảm đi”, đại diện Linde nói với đài Latvian Radio News Service.
Trước đó, công ty năng lượng Latvia Latvijas Gaze cảnh báo chi phí khí đốt cho các gia đình ở Latvia dự kiến tăng gần 90%, sau khi nước này công bố kế hoạch tăng thuế khí đốt tự nhiên từ 65,6% đến 89,9%, tùy thuộc vào mức tiêu thụ của mỗi hộ.
Theo công ty, hóa đơn khí đốt cho các gia đình có mức tiêu thụ hàng năm lên đến 250m3 sẽ tăng 65,6%, từ 1,1 euro/m3 lên 1,8 euro/m3. Trong khi đó, đối với khách hàng tiêu thụ đến 500m3, thuế khí đốt sẽ tăng 74,7%.
Nhiều người dân Latvia hiện tìm cách chuyển sang hệ thống sưởi và nấu ăn bằng củi, dẫn đến tình trạng thiếu hụt củi tạm thời trên thị trường Latvia.
Đầu tháng 4, người đứng đầu nhà điều hành kho chứa khí đốt tự nhiên của Latvia thông tin các nước Baltic bao gồm Latvia, Estonia và Lithuania không còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga nữa. Thay vào đó, thị trường Baltic sẽ được phục vụ bằng trữ lượng khí đốt được lưu trữ dưới lòng đất ở Latvia.
Ngoài Latvia, một quốc gia châu Âu khác là Ba Lan trước đó cũng tạo điều kiện giúp người dân lấy củi dễ dàng hơn trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và thiếu nguồn than. Thứ trưởng Bộ Khí hậu và Năng lượng Ba Lan Edward Siarka cho biết người dân có thể vào rừng lấy cành cây làm nhiên liệu nếu được các đơn vị lâm nghiệp địa phương cho phép.