Theo đài RT (Nga), một số nước phương Tây ghi nhận nhu cầu lớn về củi, bếp củi. Ở Đức, nơi gần một nửa số căn nhà được sưởi ấm bằng khí đốt, mọi người đang chuyển sang sử dụng một nguồn năng lượng đảm bảo hơn. Những người bán củi cho biết họ hầu như không đáp ứng được nhu cầu. Nước này cũng đang xảy ra số vụ trộm cắp củi tăng vọt.
Ở Hà Lan, các chủ doanh nghiệp cho biết khách hàng đang mua củi sớm hơn bao giờ hết.
Tại Bỉ, các nhà sản xuất củi đang phải vất vả đáp ứng nhu cầu, trong khi giá cả đang tăng lên.
Tại Đan Mạch, một nhà sản xuất bếp dùng để đốt củi cho biết lợi nhuận năm nay sẽ đạt hơn 2 triệu euro - mức tăng rất lớn.
Ngay cả Hungary, quốc gia vừa ký hợp đồng mua khí đốt mới với Nga, cũng đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn. Nước này đã công bố lệnh cấm xuất khẩu củi và nới lỏng một số hạn chế đối với khai thác gỗ.
Đốt củi để lấy năng lượng không phải là điều mới mẻ ở EU. Trong thập kỷ trước, hình thức này thậm chí còn được coi là một trong những cách tốt nhất để đạt được các mục tiêu về môi trường của EU. Năm 2009, EU đã công bố phiên bản đầu tiên của Chỉ thị Năng lượng Tái tạo (RED). Đây là một văn bản quy định mức độ sử dụng năng lượng tái tạo trong EU.
Văn bản chỉ ra rằng đốt củi nên được coi là một trong những nguồn tạo năng lượng thích hợp.
Theo dữ liệu do tổ chức Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên đưa ra vào năm 2019, các quốc gia châu Âu đang chi 7 tỷ USD mỗi năm để trợ cấp cho hoạt động đốt củi để lấy điện hoặc nhiệt.
EU là thị trường viên nén mùn cưa lớn nhất, tiêu thụ 23,1 triệu tấn vào năm 2021. Kỷ lục này dự kiến sẽ bị phá vỡ trong năm nay.
Sau khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ, EU đã cấm nhập khẩu gỗ từ Nga và Belarus, trong khi xuất khẩu gỗ từ Ukraine bị gián đoạn do chiến sự.
Trong bối cảnh khan hiếm năng lượng, nhiều quốc gia đã nghĩ lại về chính sách năng lượng.
Ví dụ như hiện tại, công dân Đức có thể được trợ cấp khi chuyển sang sử dụng củi làm phương tiện sưởi ấm. Tuy nhiên, chính phủ Hà Lan lại quyết định ngừng trợ cấp cho việc sử dụng sinh khối trong các hệ thống sưởi ấm thành phố và sưởi ấm nhà kính.
Tại Anh, năm 2021, Drax - nhà máy năng lượng tái tạo lớn nhất Anh đã nhận được 893 triệu bảng tiền trợ cấp của chính phủ để sử dụng nhiên liệu sinh khối.
Năm nay, ủy ban môi trường của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu về các quy tắc mới xác định những gì có thể được coi là sinh khối bền vững theo chỉ thị năng lượng tái tạo sửa đổi. Vì vậy, người ta cho rằng sinh khối gỗ nguyên sinh - về cơ bản là gỗ chưa qua chế biến - không nên được coi là một nguồn năng lượng tái tạo và không đủ điều kiện để nhận các ưu đãi.
Từ quan điểm môi trường, đốt củi là một biện pháp gây tranh cãi. Theo dữ liệu của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), lượng CO2 trong gỗ trên một đơn vị năng lượng tương đương với than đá và cao hơn nhiều so với khí đốt.