Ngoại trưởng Mỹ hoạt động 'sau cánh gà' để cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cân nhắc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran thì Ngoại trưởng Rex Tillerson đang lặng lẽ "sau cánh gà" hợp tác với Quốc hội để thay đổi khả năng này trước thời điểm chứng thực dự kiến vào ngày 15/10.

Thông tin này được kênh CNN (Mỹ) khai thác từ các quan chức Mỹ và nhân viên ngoại giao phương Tây. Theo nguồn tin, Ngoại trưởng Tillerson và các nhà làm luật tại quốc hội Mỹ đang nỗ lực sửa đổi pháp chế Mỹ liên quan đến Iran để chuyển sự chú ý khỏi vấn đề hạt nhân. Đây là động thái tạo điều kiện để Mỹ duy trì vị trí trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 trong tình hình Tổng thống Trump đang nhăm nhe đòi rút.

Trong thời gian vận động tranh cử Tổng thống, ông Trump từng thể hiện không bằng lòng với thỏa thuận hạt nhân Iran và gọi đây là "thỏa thuận tồi tệ nhất". Vào ngày 19/9, trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York, ông Trump đã gọi thỏa thuận Iran là "nỗi xấu hổ" của nước Mỹ.

Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson (trái) trong một sự kiện. Ảnh: AP

Một quan chức cấp cao giấu tên chia sẻ với CNN: “Ngoại trưởng Tillerson đã nói rằng vấn đề đối với JCPOA không phải là JCPOA. Đó là vấn đề pháp chế”. JCPOA là tên viết tắt của thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được biết đến với tên Kế hoạch Hành động Toàn diện Hỗn hợp.

Một quan chức cho biết Ngoại trưởng Tillerson tin rằng thỏa thuận hạt nhân Iran không có sự ổn định chính trị tại Mỹ bởi chính quyền Tổng thống thứ 44 Barack Obama – vốn tham gia đàm phán về thỏa thuận- đã kết thúc nhiệm kỳ. Do vậy, trọng tâm chiến lược của Ngoại trưởng Tillerson được cho xoay quanh việc khoanh vùng thỏa thuận hạt nhân Iran bằng sửa đổi pháp chế Mỹ.

Điều mà ông Tillerson muốn thay đổi chính là đạo luật yêu cầu cứ 3 tháng một lần, Tổng thống Mỹ phải chứng thực về việc Iran có tuân thủ theo thỏa thuận năm 2015 hay không. Kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã hai lần chứng thực Iran có tuân thủ theo thỏa thuận đạt được năm 2015. Nhiều dự đoán rằng lần chứng thực thứ 3 vào ngày 15/10 sẽ không thể đạt được kết quả như vậy.

Do vậy, kế hoạch của ông Tillerson là vận động thay đổi luật, thay vì phải chứng thực 3 tháng một lần, chính quyền đương nhiệm sẽ báo cáo thường xuyên với Quốc hội về các hành vi của Iran, đơn cử như chương trình tên lửa đạn đạo và các hoạt động trong khu vực của Tehran, đồng thời đề xuất những hành động Mỹ cần thực hiện để đối phó.

Biện pháp này được cho sẽ tạo điều kiện để Mỹ ở lại thỏa thuận đồng thời giúp ông Trump tránh khỏi vấn đề đau đầu cứ 90 ngày lại phải chứng thực lại một lần.

Ngoại trưởng Tillerson đã giải thích kế hoạch của bản thân với những người đồng cấp Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và Iran trong tháng 9 bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. Đây đều là những quốc gia tham gia vào thỏa thuận năm 2015.

Trọng tâm của nỗ lực thay đổi pháp chế này tại quốc hội được cho nằm trên vai ông Bob Corker – chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ. Vào ngày 3/10, ông Corker xác nhận với CNN về kế hoạch dành cho Iran nhưng từ chối đưa thêm chi tiết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bày tỏ quan điểm cá nhân về vấn đề này. Tại cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 3/10, Bộ trưởng Mattis khẳng định ông tin rằng duy trì tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran nằm trong lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Khi đó, Thượng nghị sĩ Angus King đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Mattis: “Ông có tin rằng tại thời điểm này duy trì hiện diện trong thỏa thuận hạt nhân Iran thuộc lợi ích an ninh quốc gia của chúng ta hay không? Đây là câu hỏi có hoặc không”.

Bộ trưởng Mattis trả lời: “Có, ngài thượng nghị sĩ. Tôi cho rằng như vậy. Luận điểm của tôi là nếu Mỹ có thể xác nhận rằng Iran tuân thủ thỏa thuận, nếu chúng ta có thể quyết định điều này nằm trong lợi ích hàng đầu của mình thì rõ ràng chúng ta nên ở lại”. Bộ trưởng Mattis cũng thể hiện ý kiến rằng Tổng thống Mỹ nên cân nhắc về việc vẫn tham gia vào thỏa thuận này.

Theo CNN, quyết định của Mỹ về việc duy trì ở lại thỏa thuận Iran hay không sẽ đồng thời gửi thông điệp tới Triều Tiên. Câu hỏi sẽ được đặt ra trong trường hợp Mỹ rút khỏi thỏa thuận Iran là lý do nào để Triều Tiên cần đạt được một thỏa thuận nếu chính Washington cũng từng không thể giữ được cam kết?

CNN phân tích rằng cho dù ông Tillerson có chiến lược nào thì Tổng thống Trump vẫn duy trì là nhân vật khó đoán định nhưng có quyền năng quyết định tình huống sẽ đi đến đâu.

Hà Linh/Báo Tin Tức
Tổng thống Mỹ có thể tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Mỹ có thể tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết Tổng thống Donald Trump dự kiến vào tuần tới sẽ có một bài phát biểu về chính sách đối với Iran, trong đó nhà lãnh đạo này sẽ khẳng định thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) không còn nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN