Theo mạng Tin tức châu Âu (Euronews.com) ngày 15/2, các quốc gia Bắc Âu này đang bế tắc với Ankara về tư cách thành viên NATO khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trì hoãn quá trình này, yêu cầu Stockholm và Helsinki đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt trước khi tiến hành phê chuẩn.
Vậy "ngoại giao sau động đất" có thể làm dịu lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các ứng viên NATO trên không?
Vấn đề này từng có hiệu quả trong quá khứ ở khu vực. Trở lại năm 1999, một trận động đất mạnh đã xảy ra gần thành phố İzmit của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là một trong những nước đầu tiên tuyên bố viện trợ, bất chấp hàng thập kỷ thù địch giữa hai nước láng giềng. Vài tháng sau, khi một trận động đất độ lớn 6 tấn công Athens, Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại và hỗ trợ tích cực.
Việc thể hiện thiện chí láng giềng đã dẫn đến Hy Lạp bỏ phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một quốc gia ứng cử viên của EU - điều mà các nhà hoạch định chính sách ở Phần Lan và Thụy Điển hy vọng sẽ được lặp lại.
Cho đến nay, Thụy Điển đã hỗ trợ nhân đạo 3,3 triệu euro và gửi hơn 50 chuyên gia tìm kiếm cứu nạn cùng các đội y tế tới Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển Johan Forssell cho biết: “Sự hỗ trợ cốt lõi mà Thụy Điển đang đóng góp đã tạo ra sự khác biệt lớn trên thực địa ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria".
Ông Forssell cho biết chính phủ nước này đã hành động "nhanh chóng và kiên quyết", nhưng Tiến sĩ Paul Levin tại Viện Nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ của Đại học Stockholm cho biết lẽ ra họ có thể hành động sớm hơn.
"Thụy Điển viện trợ hơi muộn. Tôi không nghĩ đó là sự thiếu ý chí, mà là Thụy Điển không giỏi trong việc ứng phó với thảm họa một cách nhanh chóng”, ông Levin nói, lưu ý về cách họ phản ứng chính thức đối với trận sóng thần ở châu Á năm 2004 và đại dịch COVID-19.
Ở cấp độ EU, Thụy Điển - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu - đã kích hoạt cơ chế Ứng phó Khủng hoảng Chính trị Tích hợp của khối vào tuần trước, để điều phối tất cả sự hỗ trợ của EU cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ở cấp độ chính trị.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng tuyên bố sẽ tổ chức một hội nghị tài trợ quốc tế cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào tháng 3 tới.
Tại Phần Lan, phản ứng của chính phủ khá nhanh và mạnh mẽ nhằm gửi thông điệp tới Ankara. Helsinki đã cung cấp chỗ ở khẩn cấp, bao gồm cả lều và bếp, cho 3.000 người và phối hợp cung cấp các vật dụng cần thiết khác thông qua NATO.
Phần Lan cũng đã gửi các chuyên gia tìm kiếm và cứu nạn, đồng thời đóng góp đa phương thông qua Quỹ Ứng phó Khẩn cấp của Liên hợp quốc, cho đến nay đã tài trợ 50 triệu USD.
"Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng và thiệt hại là rất lớn. Nhu cầu về chỗ ở khẩn cấp tại khu vực bị động đất tàn phá là rất lớn. Bằng việc gửi hỗ trợ vật chất, Phần Lan nhằm mục đích giúp mọi người đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ. Điều quan trọng là chúng tôi phải hỗ trợ khu vực động đất càng sớm càng tốt", Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Krista Mikkonen cho biết.
Tuy nhiên, việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có đủ năng lực để xử lý các vấn đề liên quan đến tư cách thành viên NATO của hai nước Bắc Âu trong thời kỳ khủng hoảng chưa từng có này vẫn còn gây tranh cãi.
Với một cuộc tổng tuyển cử được lên kế hoạch vào ngày 14/5 tới, Tổng thống Erdogan đã sử dụng Thụy Điển (và ở mức độ thấp hơn là Phần Lan) như một "lá bài chính trị", chỉ trích họ là "nơi chứa chấp những kẻ khủng bố và là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ".
Ozan Yanar, một chính trị gia Phần Lan sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và từng là nghị sĩ đảng Xanh từ năm 2015-2019, giải thích: “Quá trình gia nhập NATO ở Phần Lan đã không tính đến việc thảm họa lớn này khiến cục diện chính trị thay đổi và các cuộc thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ như thế nào. Ngay lúc này, tất cả sự tập trung của Thổ Nhĩ Kỳ là vào trận động đất và họ sẽ tiếp tục tập trung vào thảm họa này trong một thời gian rất dài".
Theo chính trị gia trên, người dân ở trong nước sẽ thất vọng nặng nề và chỉ trích chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ bắt đầu nói về NATO, vốn không phải là chủ đề chính ở nước này vào thời điểm hiện tại.
Về phần mình, ông Levin cho rằng khả năng những nỗ lực viện trợ nhân đạo của Thụy Điển và Phần Lan sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của họ là thấp. "Có lẽ còn hơi sớm để suy đoán điều gì sẽ xảy ra, nhưng cho đến nay tôi chưa thấy bất kỳ dấu hiệu tích cực nào từ 'ngoại giao động đất'", Tiến sĩ Levin kết luận.