Khi Omicron lây lan mạnh và trở thành biến thể chủ đạo ở hầu hết các nước trên thế giới vào cuối năm 2021, có nhiều ý kiến cho rằng Omicron chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và nguy cơ nhập viện và tử vong thấp hơn so với các biến thể trước đó. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan vì phần lớn các ca bệnh nhẹ có thể là do miễn dịch qua lây nhiễm trước đó và tiêm chủng, chứ không phải do biến thể Omicron có độc lực thấp hơn.
Theo một bài viết đăng trên trang healthdigest.com ngày 10/3, một hội đồng quan chức y tế của Chính phủ Nhật Bản trong tuần này đã khuyến cáo không nên xem nhẹ mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron. Sau khi xem xét dữ liệu nhập viện của các bệnh nhân nhiễm Omicron và cúm mùa, giới chức y tế Nhật Bản nhận thấy tỷ lệ tử vong vì Omicron là 0,13%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tử vong 0,006-0,09% do cúm mùa. Trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang lây lan nhanh trên toàn cầu, dữ liệu này củng cố bằng chứng cho thấy không nên cho rằng đại dịch COVID-19 sắp kết thúc và cần phải duy trì các biện pháp phòng dịch.
Giới chức y tế Nhật Bản cho biết biến thể Omicron vẫn đang hoành hành ở Nhật Bản, nhưng đáng lo ngại là dòng phụ BA.2 của biến thể này, còn gọi là "Omicron tàng hình", dự báo sẽ thay thế Omicron trở thành biến thể chủ đạo và gây ra 74% số ca mắc mới ở nước này từ nay đến ngày 1/4. Tỷ lệ tử vong do "Omicron tàng hình" cũng được dự báo cao hơn so với bệnh cúm mùa.
Theo hãng truyền thông U.S. News & World Report, tỷ lệ nhiễm "Omicron tàng hình" ở Mỹ đang tăng gấp đôi mỗi tuần và chiếm hơn 11% tổng số ca mắc COVID-19 trong tuần đầu tiên của tháng 3.
Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây tại Đan Mạch cho thấy "Omicron tàng hình" có khả năng gây tái nhiễm cao hơn nhiều so với các biến thể lưu hành trước đó. Theo các chuyên gia, biến thể này cũng có khả năng gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong, nguy hiểm hơn nhiều so với biến thể Omicron ban đầu và chắc chắn gây tử vong cao hơn so với bệnh cúm thông thường.