Nghị viện EU ủng hộ các lệnh trừng phạt chống Azerbaijan

Nghị viện châu Âu ra nghị quyết kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống Azerbaijan, lên án Baku tiếp quản Nagorno-Karabakh.

Chú thích ảnh
Một người lính Azerbaijan canh gác ở nơi trước đây là đồn dân quân người dân tộc Armenia ở Mukhtar, Nagorno-Karabakh, ngày 3/10/2023. Ảnh: AFP

Theo đài RT, Nghị viện châu Âu ngày 5/10 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các biện pháp trừng phạt chống lại giới lãnh đạo chính trị và quân sự của Azerbaijan, với lý do "thanh lọc sắc tộc" người Armenia ở Nagorno Karabakh.

Với 491 phiếu thuận và chỉ 9 phiếu chống, nghị quyết kêu gọi EU và các quốc gia thành viên “áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các cá nhân trong Chính phủ Azerbaijan” chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền ở Nagorno-Karabakh và yêu cầu điều tra về “các hành vi lạm dụng do lực lượng Azerbaijan thực hiện có thể cấu thành tội ác chiến tranh".

Nghị quyết cũng bày tỏ tình đoàn kết với những người dân tộc Armenia ở Nagorno-Karabakh - “những người đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và vùng đất của tổ tiên”, và “cho rằng tình hình hiện tại dẫn đến việc thanh lọc sắc tộc”.

Chiến dịch quân sự chớp nhoáng vào tháng trước của Azerbaijan trong khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh được nghị quyết của Nghị viện châu Âu mô tả là “một cuộc tấn công quân sự phi lý, được lên kế hoạch trước… dẫn đến thiệt hại đáng kể về nhân mạng”, thể hiện “sự vi phạm trắng trợn nhân quyền và luật pháp quốc tế, đồng thời vi phạm rõ ràng quyền con người và tuyên bố ngừng bắn ba bên vào ngày 9/11/2020.”

Nghị viện châu Âu cũng yêu cầu EU đình chỉ mọi hoạt động nhập khẩu dầu và khí đốt từ Azerbaijan “trong trường hợp có hành động xâm lược quân sự chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Armenia” hoặc “các cuộc tấn công chống lại trật tự hiến pháp và các thể chế dân chủ của Armenia”.

Nghị quyết trên kêu gọi EU đánh giá lại quan hệ đối tác năng lượng với Baku. Năm ngoái, khối đã ký một thỏa thuận tăng gấp đôi nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan đến năm 2027, để bù đắp cho sự thiếu hụt do lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga.

Trong cuộc tranh luận về nghị quyết hồi đầu tuần này, Nghị sĩ Fabio Massimo Castaldo thuộc "Phong trào 5 Sao" của Italy đã cáo buộc “sự im lặng của EU, đã hy sinh người dân Armenia dưới danh nghĩa chính sách thực dụng”, trong khi người đứng đầu "Phong trào Quốc gia Pháp", Jordan Bardella, cũng chỉ trích rằng EU “thích khí đốt hơn máu của người Armenia.”

Hơn 100.000 người dân tộc Armenia đã chạy khỏi Nagorno-Karabakh kể từ khi lực lượng dân quân địa phương đầu hàng quân đội Azerbaijan hôm 20/9, chỉ sau một ngày giao tranh. Giới chức Baku chỉ ra rằng Armenia đã nhiều lần công nhận khu vực ly khai này là lãnh thổ có chủ quyền của Azerbaijan, bao gồm cả các cuộc đàm phán vào tháng 10 năm ngoái tại Praha (Séc) do EU tổ chức.

Baku mô tả cuộc tấn công của mình là một hành động “chống khủng bố” chống lại những gì họ cho là các nhóm vũ trang bất hợp pháp.

Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới công nhận, kể cả Armenia.

EU đã lên lịch các cuộc đàm phán hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan vào ngày 5/10, tại thành phố Granada của Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chính phủ ở Baku đã hủy bỏ tham gia cuộc đàm phán này vào ngày 4/10, nói rằng sự vắng mặt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ dẫn đến “bầu không khí chống Azerbaijan”.

Trong khi đó, cùng ngày 5/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Điện Kremlin đã đề xuất với Armenia một thỏa hiệp liên quan đến Nagorno-Karabakh, nhưng Yerevan đã chọn "đi theo con đường riêng của mình", dẫn đến việc người dân tộc Armenia phải di cư khỏi khu vực hiện do Azerbaijan kiểm soát.

“Tất cả những gì xảy ra gần đây, trong 2-3 tuần qua, việc phong tỏa hành lang Lachin..., tất cả những điều này là không thể tránh khỏi sau khi Armenia công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorno Karabakh" - ông Putin nói tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 20 Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi.

Tổng thống Nga nói thêm: “Việc khi nào và bằng cách nào Azerbaijan sẽ thiết lập quyền kiểm soát ở đó trong khuôn khổ hiến pháp của mình chỉ là vấn đề thời gian”.

Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập vào đầu những năm 1990, và một thỏa thuận ngừng bắn do Moskva làm trung gian năm 1994 đã đóng băng cuộc xung đột giữa Azerbaijan với người dân tộc Armenia nắm quyền kiểm soát hầu hết khu tự trị này cũng như một số khu vực xung quanh của Azerbaijan. Tổng thống Putin lưu ý rằng trong 15 năm, Moskva đã thúc giục Yerevan đạt được một số thỏa hiệp với Baku bằng cách trả lại một số vùng lãnh thổ này và chỉ giữ lại một phần của Karabakh.

“Chúng tôi nói với họ rằng, nghe này, Azerbaijan đang phát triển, nền kinh tế đang phát triển, đây là một nước sản xuất dầu mỏ với 10 triệu dân. Hãy so sánh tiềm năng. Các ông cần phải thỏa hiệp khi vẫn còn có thể”, ông Putin nói.

Yerevan cuối cùng đã nhượng lại các lãnh thổ vào năm 2020, sau khi một chiến dịch quân sự của Azerbaijan cắt đứt con đường chính nối Karabakh với Armenia.

Tổng thống Putin lưu ý: “Armenia vẫn là đồng minh của chúng tôi” và Nga dự định tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo, y tế và các viện trợ khác cho những người phải di dời khỏi Nagorno-Karabakh, đồng thời khẳng định rằng cần phải giải quyết số phận của họ “từ góc độ lâu dài”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Liên hợp quốc lần đầu được quyền tiếp cận Nagorno-Karabakh trong 30 năm
Liên hợp quốc lần đầu được quyền tiếp cận Nagorno-Karabakh trong 30 năm

Một phái đoàn của Liên hợp quốc đã đến Nagorno-Karabakh vào hôm 1/10, đánh dấu lần đầu tiên sau khoảng ba thập kỷ, cơ quan quốc tế này được quyền tiếp cận khu vực. Trong khi đó đã có hơn 100.000 trong tổng số khoảng 120.000 người gốc Armenia đã rời Nagorno-Karabakh, đến Armenia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN