Sau cuộc chiến khốc liệt 6 tuần vào năm 2020, Nga đã triển khai gần 2.000 binh sỹ gìn giữ hoà bình tới Nagorno-Karabakh như một phần của thỏa thuận ngừng bắn mà nước này làm trung gian giữa Azerbaijan và Armenia.
Cùng với việc người gốc Armenia ùn ùn rời bỏ Nagorno-Karabakh sau khi Azerbaijan giành quyền kiểm soát khu vực này bằng một cuộc giao tranh trong vòng 24 giờ, số phận lực lượng gìn giữ hoà bình Nga ở đây cũng được dư luận quan tâm.
France 24 ngày 29/9 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết tương lai của sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh sẽ được quyết định bởi Nga và Azerbaijan,
Theo ông Peskov, vì phái bộ hiện đang đóng ở trên lãnh thổ Azerbaijan, cho nên, đây sẽ là chủ đề thảo luận giữa Nga với Azerbaijan.
Ngày 19/9 vừa qua, Azerbaijan đã phát động một chiến dịch quân sự ở Nagorny-Karabakh mà nước này được gọi là “các biện pháp chống khủng bố mang tính chất cục bộ” nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp.
24 tiếng đồng hồ sau, một thoả thuận ngừng bắn đã đạt được giữa Azerbaijan và lực lượng ly khai Armenia thông qua sự hòa giải của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga. Theo đó, lực lượng ly khai Armenia đã giải giáp và rút các trang thiết bị hạng nặng khỏi khu vực.
Trên thực tế, ngày 22/9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng lực lượng người gốc Armenia ở Nagorny-Karabakh bắt đầu bàn giao vũ khí và thiết bị quân sự cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.
Ngày 25/9, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cam kết rằng các quyền của người sắc tộc Armenia ở Nagorny-Karabakh sẽ được bảo vệ và tiến trình tái hòa nhập của người Armenia ở Nagorny-Karabakh vào xã hội Azerbaijan sẽ thành công.
Dẫu vậy, người Armenia ở Nagorny-Karabakh vẫn quyết định bỏ lại mọi thứ phía sau, rời khỏi vùng đất nóng này dù không biết điều gì đang đợi phía trước,.
Hôm 29/9, Cơ quan người tị nạn Liên hợp quốc cho biết hơn 88.000 người từ Nagorno-Karabakh đã đến Armenia và tổng số có thể lên tới 120.000 người, nghĩa là toàn bộ dân số Nagorno-Karabakh.
Hành trình của những người này tới biên giới Armenia chỉ có 77 km nhưng lại kéo dài ít nhất 30 tiếng đồng hồ do tình trạng tắc đường. Thậm chí, nhiều người chấp nhận ngủ trong ô tô.
Trước tình trạng này, Mỹ và các chính phủ phương Tây khác đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo và yêu cầu các quan sát viên quốc tế tiếp cận khu vực để theo dõi tình hình của người dân địa phương.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng “thật khó để nói ai là người chịu trách nhiệm (về cuộc di cư), không có lý do trực tiếp nào cho những hành động như vậy”.
Ông Peskov nói thêm: “Tuy nhiên, mọi người vẫn bày tỏ mong muốn rời đi… những người đưa ra quyết định như vậy phải được cung cấp các điều kiện sống bình thường”.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã cảnh báo về "sự thanh lọc sắc tộc" trong khu vực và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động.
Ông Pashinyan cũng chỉ trích lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không can thiệp khi Azerbaijan tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng để giành lại quyền kiểm soát khu vực.
Nga đã phủ nhận các cáo buộc này.