Trang tin châu Âu Euractiv.com dẫn báo cáo mới được công bố của Bộ Quốc phòng Đức cho biết các binh sĩ trong quân đội nước này ngày càng muốn được xuất ngũ kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và bất chấp những nỗ lực tăng cường, hiện đại hóa quốc phòng của Berlin.
Báo cáo của Bộ Quốc phòng Đức được đưa ra theo yêu cầu của Ủy ban Quốc phòng Hạ viện. Theo báo cáo của bộ trên, mặc dù có quân số thấp, nhưng số lượng binh sĩ muốn xuất ngũ đã tăng từ 209 người vào năm 2021 lên 810 người trong 8 tháng đầu năm 2022.
Con số muốn xuất ngũ đặc biệt cao trong số những người dự bị và những người đã được đào tạo để trở thành lực lượng dự bị, tăng từ 10 lên 190. Tuy nhiên, trong số những người lính tại ngũ, nhu cầu xuất ngũ đã giảm từ 176 vào năm 2021 xuống 136 trong năm nay.
Lực lượng vũ trang Đức từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị, mua sắm và công nghệ lạc hậu.
Để khắc phục những thiếu sót này, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố một quỹ quốc phòng trị giá 100 tỷ euro ngay sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, được cho là dành cho các dự án đầu tư và trang bị cho quân đội Đức.
Làn sóng xuất ngũ mới nhất đặt ra câu hỏi về tính khả thi của việc tăng cường khả năng quân sự của Đức trước một kịch bản có khả năng xảy ra đối đầu vũ trang với Nga.
Mặc dù Bộ Quốc phòng Đức không có lý do dẫn đến nhu cầu xuất ngũ gia tăng, nhưng chính trị gia an ninh cánh tả Sevim Dagdelen cho rằng “xu hướng đó phản ánh những lo ngại về hậu quả của quá trình leo thang quân sự của Chính phủ Đức ở Ukraine". Chính trị gia này được biết đến là người đã phản đối Chính phủ Đức và phương Tây tăng cường viện trợ cho cuộc xung đột ở Ukraine.