Ngành hàng không Nga đối mặt với hàng loạt nguy cơ sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ

Ngành hàng không Nga bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt mặc dù Moskva không công khai thừa nhận điều đó.

Chú thích ảnh
Hãng hàng không Aeroflot của Nga không thể mua máy bay mới do Boeing và Airbus sản xuất, vốn chiếm phần lớn đội bay của họ. Ảnh: Getty Images

Mặc dù nhiều tuyến đường bay quốc tế bị chặn và nguồn cung cấp linh kiện nước ngoài gần như cạn kiệt, các quan chức Moskva vẫn tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt quốc tế không cản trở được các hãng hàng không Nga. Người đứng đầu cơ quan hàng không Nga, Alexander Neradko cho biết trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng này: "Tôi tin tưởng rằng việc bay không trở nên nguy hiểm hơn".

Nhưng thực tế là có nhiều sóng gió hơn thế đối với ngành hàng không Nga.

Ngay sau khi xe tăng Nga tiến vào Ukraine, ngành hàng không nước này đã phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt, bắt đầu với lệnh cấm bay qua Liên minh châu Âu (EU), cấm mua máy bay của Mỹ hoặc châu Âu, và thậm chí quan trọng hơn là quyền tiếp cận các phụ tùng thay thế cần thiết để duy trì hoạt động của những chiếc máy bay vốn cực kỳ phức tạp.

Nga đã trả đũa bằng cách thu giữ khoảng 10 tỷ USD máy bay cho thuê thuộc sở hữu của các công ty quốc tế nhưng do các hãng hàng không Nga điều hành. Hầu hết các máy bay Nga hiện chỉ được bay đến một số quốc gia thân thiện, nếu không họ có nguy cơ bị tạm giữ máy bay.

Với việc bị cắt quyền tiếp cận các máy bay mới do Boeing và Airbus sản xuất - chiếm phần lớn đội bay của các hãng hàng không lớn như Aeroflot và S7 Airlines, Moskva cố gắng tăng cường sản xuất máy bay mới không sử dụng các bộ phận của phương Tây - một nỗ lực đang vấp phải thực tế là rất khó để thực hiện. Nga cũng tìm mọi cách để giữ cho phi đội hiện có của mình có thể bay.

Tháng trước, chính phủ Nga đã ban hành một nghị định hợp pháp hóa việc thay thế các bộ phận của máy bay - có nghĩa là các thợ máy có thể tháo rời một số máy bay hiện có để lấy linh kiện phục vụ cho phần còn lại tiếp tục hoạt động.

“Các phụ tùng thay thế rất khó kiếm và chúng tôi đã phá dỡ những chiếc máy bay cũ đang lưu kho. Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều, nhưng điều đó đang thay đổi theo thời gian", một nhân viên kỹ thuật tại hãng hàng không nhà nước Aeroflot nói với tờ Politico. “Đôi khi chúng tôi nhận được các bộ phận đơn lẻ được chuyển đến, không rõ từ đâu nhưng số đó chỉ như muối bỏ bể.”

Richard Aboulafia, Giám đốc một công ty tư vấn hàng không có trụ sở tại Mỹ, cho biết hoạt động của hàng không Nga khiến ông lo lắng.

“Tôi không cảm thấy tự tin chút nào khi bay trên máy bay ở một quốc gia không còn lưu giữ hồ sơ bảo trì công khai và đang chịu lệnh trừng phạt của các nước sản xuất. Tôi sẽ không bay như thế", ông Aboulafia nói.

Ngoài ra, một câu hỏi khác là việc tháo dỡ máy bay để phục vụ những chiếc khác liệu có thể tiếp tục trong bao lâu. Theo Anastasia Dagaeva, một chuyên gia hàng không Nga, đến năm 2025, 1/3 đội bay nước ngoài có thể sẽ bị Nga tháo dỡ để lấy phụ tùng thay thế.

Hiện tại, các hãng hàng không chở khách lớn của Nga vẫn tiếp tục bay và thậm chí còn mở rộng kết nối đến các điểm đến như Trung Quốc và Kazakhstan, nhưng các vết rạn nứt đang bắt đầu lộ ra.

Tờ Izvestia đưa tin, 9 hãng hàng không nhỏ đã ngừng bay vào năm ngoái sau khi bị cơ quan quản lý Rosaviatsiya rút giấy phép. Ba trong số những quyết định đó có liên quan trực tiếp đến các biện pháp trừng phạt.

Một vấn đề lớn là có những lo lắng rằng sự an toàn hàng không đang bị ảnh hưởng. Năm ngoái, Patrick Ky, quan chức an toàn hàng không hàng đầu của EU, bày tỏ lo ngại rằng Nga đang sử dụng các máy bay do phương Tây sản xuất mà không có phụ tùng thay thế và bảo dưỡng thích hợp, và gọi tình hình là "rất không an toàn".

Và vào tháng 6/2022, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế thuộc Liên hợp quốc đã ban hành “cờ đỏ” đối với Nga vì vi phạm các quy tắc của tổ chức, vốn yêu cầu các máy bay chỉ được đăng ký ở một quốc gia. Điều đó có nghĩa là các sân bay trên khắp thế giới có thể từ chối phục vụ máy bay đã đăng ký của Nga.

Chú thích ảnh
Một chiếc máy bay Sukhoi Superjet 100 của Aeroflot nằm trên đường băng sau sự cố hỏa hoạn khiến máy bay gặp nạn ở sân bay Sheremetyevo, Moskva vào tháng 5/2019. Ảnh: EPA-EFE

Ngoài ra còn có các báo cáo trực tuyến thường xuyên về những trục trặc. Kênh Telegram Aviatorshina cho biết vào tháng 1 đã có 8 sự cố xảy ra với các máy bay chở khách của Nga do “hoạt động bất thường của bộ phận hạ cánh”.

Trang Arbat.media của Nga cho biết từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 7 sự cố an toàn hàng không, trong đó có một chiếc S7 Airbus A320 buộc phải hạ cánh khẩn cấp do hệ thống vệ sinh bị lỗi.

Tuy nhiên nhân viên của Aeroflot cho biết an toàn bay “không phải là điều chúng tôi lo ngại ở giai đoạn này". Nhân viên này cho biết: “Các phi công của chúng tôi đang có nhu cầu thuê cao vì kỹ năng và kiến ​​thức của họ, trong khi các kỹ thuật viên và kỹ sư đã trở thành chuyên gia hoàn thành tốt công việc".

Giám đốc Cơ quan Hàng không Nga Alexander Neradko thì bác bỏ lo ngại về vấn đề an toàn có liên quan "với sự có hoặc thiếu các phụ tùng thay thế".

Theo tờ Politico, Nga đang chuyển hướng sang các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc để mua linh kiện, nhưng Washington đang nỗ lực ngăn chặn điều đó.

Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng các quan chức Mỹ đang gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bảo dưỡng máy bay. Công ty dịch vụ hàng không Thổ Nhĩ Kỳ Havas cảnh báo họ có thể ngừng nhận bảo dưỡng máy bay Boeing của các hãng hàng không Nga vì lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chuyên gia Aboulafia từ AeroDynamic Advisory cho biết: “Không ai có thể cung cấp cho Nga phụ tùng thay thế". Ông giải thích, nếu một hãng hàng không Nga tìm đến một quốc gia bên thứ ba, chẳng hạn để có được một bộ phận động cơ GE từ nước này mà không có sự chấp thuận của Mỹ, thì quốc gia bên thứ ba đó sẽ phải chịu hành động pháp lý hoặc lệnh trừng phạt.

Bất chấp những lo ngại từ phương Tây, Giám đốc điều hành của Aeroflot, ông Sergei Aleksandrovsky, đã trấn an lo ngại rằng nhân viên Nga không có chuyên môn để duy trì hoạt động của máy bay phương Tây. Ông cho biết công ty của ông đã liên hệ với các nhân viên cũ của văn phòng Airbus và Boeing ở Moskva - những người đã bị sa thải khi các nhà sản xuất rút lui khỏi Nga - để mời họ làm việc.

“Kết quả là chúng tôi đã hình thành được một tài sản quan trọng cho chính mình, theo tôi, điều này rất hứa hẹn không chỉ từ quan điểm của Aeroflot, mà còn từ quan điểm của các hãng hàng không Nga nói chung", ông nói. Chuyên môn đó, cộng với truyền thống hàng không lâu đời của Nga, có nghĩa là rủi ro an toàn được kiểm soát.

Quan chức này tin tưởng rằng "các hãng hàng không Nga vẫn tiếp tục bay, bất chấp cấm vận, bởi vì họ đã tham gia thị trường hàng không quốc tế trong một thời gian dài và thành công. Và ngay cả bây giờ, khi đã nhanh chóng bị thế giới ghẻ lạnh, họ vẫn tiếp tục giữ các tiêu chuẩn và quy trình mà họ đã được dạy và được ấn định phải tuân thủ".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Tin tức TV: Chip bán dẫn - 'chiến trường' công nghệ mới giữa Mỹ - Trung
Tin tức TV: Chip bán dẫn - 'chiến trường' công nghệ mới giữa Mỹ - Trung

Việc Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, tìm cách làm chủ công nghệ chíp bán dẫn đang tạo ra những thách thức đối với trật tự thế giới công nghệ do Mỹ dẫn đầu. Cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường vốn đã gay gắt trên nhiều lĩnh vực, nay lại "nóng" lên ở một "chiến trường" mới: chip bán dẫn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN