Lên tàu từ bến cảng Genoa (Italy) để bắt đầu hành trình du thuyền khắp Địa Trung Hải kéo dài 7 ngày, Valeria Belardi - Giám đốc công ty lữ hành Vivere & Viaggiare Roma Pittaluga - chuẩn bị sẵn tâm thế cho một chuyến đi chưa từng có.
Theo kênh CNN, Belardi là một trong 3.000 hành khách đầu tiên được phép lên du thuyền MSC Grandiosa bắt đầu nối lại hoạt động sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch COVID-19.
Ban quản lý tàu MSC Grandiosa cho biết để đảm bảo an toàn cho du khách, các biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm COVID-19, đo thân nhiệt và giữ vệ sinh tay được áp dụng trước và trong suốt hành trình đi.
“Tôi nghĩ du thuyền là hình thức du lịch an toàn nhất tại thời điểm này”, ông Belardi nhận xét.
Trong khi Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ gia hạn lệnh cấm du thuyền hoạt động tại nước này đến hết tháng 9/2020 và nhiều công ty khai thác lớn hủy bỏ các chuyến du thuyền ở các khu vực như châu Á, vùng Caribe, Nam Mỹ và Nam Cực cho đến giữa tháng 12, một số tuyến lữ hành bằng du thuyền tại châu Âu đã bắt đầu hoạt động trở lại.
Thách thức được đặt ra đối với ngành du thuyền trên thế giới hiện nay là làm cách nào để hồi phục một cách an toàn và hiệu quả, trong khi thuyết phục du khách tìm đến hình thức nghỉ ngơi này.
“Chúng ta đều biết rằng chỉ cần giảm 1% số lượng các chuyến đi du thuyền trên thế giới, 9.100 người sẽ bị mất việc”, Bari Golin-Blaugrund – người phát ngôn của Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA) - cho hay.
Theo bà Golin-Blaugrund, CLIA tự tin rằng hoạt động du thuyền sẽ phục hồi vì nhu cầu được cho là sẽ tăng đáng kể trong các kỳ nghỉ năm 2021. Tuy nhiên, với hầu hết các hoạt động du thuyền tạm ngừng như hiện nay, mỗi ngày có tới 2.500 người thất nghiệp. "Đến cuối tháng 9, thiệt hại mà COVID-19 gây ra cho ngành du thuyền thế giới sẽ là 77 tỷ USD, 518.000 việc làm và 23 tỷ USD tiền lương sẽ biến mất”.
Theo thống kê của CLIA, trước khi COVID-19 xuất hiện, mỗi năm ngành du thuyền tiếp nhận trên 30 triệu du khách. Tuy nhiên, sau đại dịch, các nhà điều hành vẫn lo ngại du khách có thể vẫn ngần ngại chưa muốn quay lại hình thức nghỉ ngơi trên biển này.
Sau chuyến khởi hành đầu tiên thành công, MSC Grandiosa tiếp tục thực hiện chuyến đi thứ hai vào ngày 23/8, dừng chân tại cảng Corfu, Katakolon và Piraeus của Hy Lạp. Theo quy định, trước khi lên tàu, du khách của MSC Cruises sẽ được xét nghiệm COVID-19 qua hình thức xét nghiệm kháng nguyên và phân tử.
Bên cạnh việc xét nghiệm, hành khách phải hoàn thành bảng câu hỏi kê khai sức khỏe và đo thân nhiệt. Các thành viên thủy thủ đoàn cũng được xét nghiệm COVID-19 trước lên tàu.
Ban quản lý du thuyền cũng đẩy mạnh các quy trình vệ sinh bao gồm khử trùng và sử dụng công nghệ ánh sáng UV-C. Du thuyền chỉ tiếp nhận 70% lượng khách thông thường. Tất cả các hoạt động trên tàu cũng đều chia thành các nhóm nhỏ.
Một số chuyên gia du lịch gợi ý các công ty khai thác có thể triển khai mô hình “du thuyền không điểm đến” để cho phép du khách tận hưởng các chuyến đi mà không phải lo lắng về việc có thể nhiễm virus tại một cảng dừng bất kỳ và từ đó lây lan dịch bệnh trên tàu.