Ngành kinh doanh du thuyền 'mắc cạn' trên đại dương

Cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra đã “nhấn chìm” ngành du thuyền, khi hàng loạt các con tàu trở thành ổ dịch bị từ chối cập cảng ở nhiều nước và không biết đến bao giờ mới có thể vào bờ. 

Chú thích ảnh
 Du thuyền Westerdam chở 781 hành khách cập cảng ở Preah Sihanouk, Campuchia ngày 14/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu của Hiệp hội Du thuyền Quốc tế (CLIA), đến nay đã có 2.789 hành khách và thủy thủ đoàn nhiễm bệnh trên 33 con tàu. Lực lượng Tuần duyên Mỹ ước tính có hơn 100 con tàu với trên 70.000 thủy thủ và nhân viên trên du thuyền đang ở trong hoặc xung quanh lãnh hải và hải cảng của nước này. Chính quyền Mỹ đã cấm các du thuyền hoạt động khi dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp, theo đó hành khách được trở về nhà, song các thành viên thủy thủ đoàn vẫn phải tiếp tục lênh đênh trên biển không biết khi nào cập bến. Những người này cảm thấy như bị "mắc cạn" trên đại dương.

Những người làm công việc đảm bảo cho các hoạt động thông thường của tàu như thủy thủ, người dọn dẹp, nấu ăn... vẫn được trả lương trong khi những người làm công việc liên quan đến giải trí cho khách hàng như DJ hoặc những nhân viên đã kết thúc hợp đồng thì không được trả lương. Du thuyền chỉ cung cấp phòng ở, thành viên thủy thủ đoàn phải trả tiền cho toàn bộ các vật dụng khác kể cả kem đánh răng và xà phòng. Một số người phải trả tiền để được kết nối wifi. Tình hình khó khăn khiến tâm trạng căng thẳng gia tăng trên các boong tàu, thậm chí đã có người còn đâm đơn kiện chủ tàu. Các chủ tàu bị chỉ trích đã không nỗ lực đủ để đưa các thành viên thủy thủ đoàn về nhà vì không dám thuê các chuyến bay đắt đỏ. Tuy nhiên, các công ty du thuyền đã bác bỏ điều này. 

Tuy nhiên, bên cạnh những nhân viên bất bình và phàn nàn việc các công ty điều hành du thuyền quá chậm chạp trong việc đưa họ về nhà thì vẫn có những người có quan điểm ngược lại. Những người này cho rằng việc các chủ tàu để họ ở lại trên du thuyền thậm chí còn tốn kém hơn thuê máy bay đưa họ về. Bên cạnh đó, việc chỉ trích, khiếu kiện chỉ càng gây thêm khó khăn cho những công ty quản lý du thuyền. 

Theo Royal Caribbean, 1 trong 3 hãng tàu lớn nhất thế giới, vấn đề bắt nguồn từ thỏa thuận mà công ty này đã ký với các Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ, theo đó, các doanh nghiệp du thuyền sẽ phải chịu cả trách nhiệm hình sự lẫn dân sự nếu thủy thủ đoàn không đáp ứng được các quy định về việc lên bờ. 

Michael Bayley, giám đốc điều hành Royal Caribbean, cho biết trong số 25.000 thủy thủ của hãng, chỉ có hơn 1.000 người muốn ở lại tàu. Ông nói rằng việc đưa các nhân viên về nhà sẽ rất “phức tạp”, vì những người này đến từ hơn 60 quốc gia, và mỗi nước lại có quy định riêng về việc cho phép công dân hồi hương. 

Doanh thu toàn cầu trong năm 2018 của ngành du lịch tàu biển đạt 50 tỷ USD. Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, 3 hãng tàu lớn nhất thế giới, gồm Carnival, Royal Caribbean và Norwegian với 80% thị phần toàn cầu, đã phải dừng toàn bộ hải trình.

Hồng Hạnh  (TTXVN)
Hàng chục thủy thủ trên du thuyền Italy ở Nhật Bản mắc COVID-19
Hàng chục thủy thủ trên du thuyền Italy ở Nhật Bản mắc COVID-19

Ngày 22/4, chính quyền thành phố Nagasaki của Nhật Bản thông báo đã có ít nhất 34 thủy thủ trên du thuyền Costa Atlantica của Italy, neo đậu tại cảng Nagasaki, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN