Ngán ngẩm với Brazil, Na Uy cắt hỗ trợ bảo vệ rừng Amazon

Ngày 15/8, Na Uy thông báo ngừng khoản hỗ trợ tài chính 30 triệu euro (33 triệu USD) cho Brazil để bảo vệ rừng rậm Amazon vì cho rằng chính phủ quốc gia Nam Mỹ này đang quay lưng với cuộc chiến chống nạn phá rừng.

Chú thích ảnh
Khoảng rừng Amazon bị chặt phá tại Para, Brazil, ngày 14/10/2014. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Động thái trên được đưa ra vài ngày sau khi Đức cũng rút khoản tiền cam kết hỗ trợ bảo vệ rừng cho Brazil. Phía Na Uy cáo buộc chính phủ quốc gia Nam Mỹ "phá vỡ thỏa thuận" với các nhà tài trợ của quỹ Amazon.

Trả lời phỏng vấn báo Dagens Naeringsliv, Bộ trưởng Môi trường Na Uy Ola Elvestuen cho rằng Brazil đã phá vỡ thỏa thuận với Na Uy và Đức khi đình chỉ hoạt động của Ban giám đốc và Ủy ban kỹ thuật của quỹ Amazon mà chưa được sự chấp thuận của hai quốc gia này. Na Uy cáo buộc Brazil tự ý thay đổi cách thức quản lý quỹ và đình chỉ ủy ban kỹ thuật phụ trách lựa chọn dự án được tài trợ mà không có đề xuất chính thức về thành phần của ủy ban mới. 

Na Uy là nhà tài trợ đơn lẻ lớn nhất của quỹ Amazon khi góp tổng cộng 830 triệu euro kể từ khi quỹ được thành lập 11 năm trước. Mức đóng góp hằng năm của Na Uy cho quỹ bảo vệ Amazon được ủy ban kỹ thuật của quỹ Amazon tính toán và xác định dựa trên những kết quả đạt được trong cuộc chiến chống phá rừng. Năm nay, Na Uy sẽ phải đóng góp 30 triệu euro cho quỹ này.

Hôm 10/8, Đức cũng thông báo không chi khoản hỗ trợ 35 triệu euro cho Brazil phân bổ cho các chương trình bảo tồn và đa dạng rừng tuy nhiên vẫn tiếp tục hỗ trợ quỹ Amazon.

Khoảng 60% diện tích rừng rậm Amazon - lá phổi Xanh của hành tinh - thuộc lãnh thổ Brazil. Là rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới, Amazon hấp thu lượng lớn khí thải CO2 trong khí quyển và quang hợp để biến loại khí gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu này thành khí O2 thiết yếu cho cuộc sống. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Jair Bolsonaro đang phải đối mặt với chỉ trích chưa có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tình trạng đốn chặt gỗ, khai thác mỏ và các ngành sản xuất nông nghiệp, đeo dọa trực tiếp tới mục tiêu bảo vệ khu rừng này.

Hồi tuần trước, Viện Nghiên cứu  không gian quốc gia Brazil (INPE) cho biết khoảng 2.254 km2 rừng Amazon đã bị chặt phá trong tháng 7 vừa qua, tăng 278% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lê Ánh (TTXVN)
Biểu tình trước các đại sứ quán Brazil để phản đối nạn chặt phá rừng Amazon
Biểu tình trước các đại sứ quán Brazil để phản đối nạn chặt phá rừng Amazon

Ngày 13/8, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trước các Đại sứ quán Brazil ở nhiều nơi trên thế giới để phản đối nạn chặt phá rừng Amazon và những hành động mà họ gọi là bạo lực chống lại người bản địa sống tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN