Theo thông báo từ Phủ Tổng thống Syria, Tổng thống Assad khẳng định Chính phủ Syria quyết tâm tiếp tục phối hợp với các đối tác Nga nhằm thực thi các thỏa thuận đã ký. Syria mong muốn mở rộng các thỏa thuận kinh tế và thương mại với Nga nhằm giúp quốc gia Trung Đông này ứng phó với các lệnh trừng phạt kinh tế.
Hai bên cũng thảo luận về các thỏa thuận triển vọng mới mà hai nước cùng quan tâm, cũng như nhằm giảm nhẹ tác động từ chính sách trừng phạt của các nước phương Tây. Bên cạnh đó, Tổng thống Assad khẳng định Chính phủ Syria đang duy trì sự linh hoạt trong lộ trình chính trị, kết hợp với nỗ lực chống khủng bố để đạt được an ninh và ổn định ở nước này.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov nhấn mạnh Nga đang nỗ lực giúp Syria phá thế bao vây kinh tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Phó Thủ tướng Nga cho rằng các lệnh trừng phạt với tên gọi Đạo luật Ceasar đã không cho phép nền kinh tế Syria thu hút được đầu tư, đánh giá đây là một sự bao vây mang tính phá hoại mà cả Nga và Syria đang cố phá vỡ. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết hai nước đang hợp tác để phục hồi khoảng 40 cơ sở năng lượng tại Syria, trong đó có các mỏ dầu ngoài khơi.
Về phần mình, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Syria cần sự hỗ trợ của quốc tế để tái thiết nền kinh tế nước này.
Tối 6/9, phái đoàn Nga do Phó Thủ tướng Yury Borisov dẫn đầu đã tới thủ đô Damascus của Syria. Đây là chuyến thăm Syria đầu tiên của Ngoại trưởng Lavrov kể từ năm 2012. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du đến Syria vào đầu năm nay.
Trong những năm gần đây, Nga và Syria đã ký một số thỏa thuận về năng lượng, xây dựng và nông nghiệp. Về lĩnh vực quốc phòng, hợp tác giữa Nga và Syria được đẩy mạnh kể từ khi Moskva tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia Trung Đông này theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad vào năm 2015.
Nền kinh tế Syria đã bị chiến tranh tàn phá và hứng chịu các lệnh cấm vận của phương Tây, dẫn tới sự mất giá mạnh của đồng nội tệ so với đồng USD. Điều này đã khiến giá các mặt hàng thiết yếu leo thang đáng kể, tiếp đó là việc phải áp đặt các biện pháp phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cũng đã hạn chế hoạt động đi lại và thương mại. Tiêu thụ dầu mỏ cũng đã giảm đáng kể do các biện pháp hạn chế đi lại được áp dụng trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu của Chính phủ Syria, khiến ngân sách nhà nước bị thâm hụt đáng kể.