Theo tuyên bố chung, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thành lập một cơ chế 3 bên để giám sát và đảm bảo việc thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn, ngăn chặn mọi hành động khiêu khích và xác định mọi phương thức thực hiện lệnh ngừng bắn. Tuyên bố cũng nêu rõ các nước bảo trợ "ủng hộ sự sẵn sàng của các nhóm đối lập vũ trang tham gia vòng đàm phán chính trị tiếp theo" dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 8/2 tới.
Đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập cùng đại diện của các nước trung gian tại cuộc hòa đàm ở thủ đô Astana. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phái đoàn Chính phủ Syria đã có phản ứng đầu tiên khi đánh giá cuộc hòa đàm tại Astana diễn ra "thành công". Trưởng đoàn đàm phán Bashar Ja'afari cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố chung của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, phái đoàn của phe đối lập cho biết sẽ đồng ý để Nga đóng vai trò bảo lãnh cho lệnh ngừng bắn hiện tại, thay vì Iran - quốc gia vốn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Phe đối lập Syria cũng xác nhận sẽ không ký Tuyên bố chung (của ba nước bảo trợ kể trên) về kết quả đàm phán tại Astana. Tương tự, đoàn đại biểu chính quyền Syria cũng không ký tuyên bố chung vì cho rằng đó là văn kiện do ba nước bảo trợ soạn thảo để công bố với các bên tham gia đàm phán.
Cùng ngày, các cơ quan nhân đạo và viện trợ của LHQ đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng huy động 4,63 tỷ USD trong năm 2017 để giúp đỡ người dân Syria phải chạy trốn khỏi chiến tranh và tị nạn tại các nước láng giềng.
Lời kêu gọi trên, được LHQ cùng 240 cơ quan đối tác đưa ra, nằm trong nỗ lực thúc đẩy Kế hoạch khu vực về người tị nạn và khả năng phục hồi (3RP) 2017 - 2018. Khoản tiền 4,63 tỷ USD là dành cho năm 2017, trong khi con số này cho năm 2018 vẫn chưa được xác định. Chương trình 3RP nhằm mục đích tài trợ và tổ chức các hoạt động viện trợ cho 4,7 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ, Leban, Jordan, Iraq và Ai Cập - những nước đã tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc xung đột tại Syria.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo viện trợ quốc tế ở Helsinki (Phần Lan), Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi nêu rõ: "Những người tị nạn Syria và các nước tiếp nhận đang cần sự ủng hộ hơn bao giờ hết. Cộng đồng quốc tế phát đi thông điệp rõ ràng rằng luôn sát cánh bên họ và sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ cấp thiết".
Theo thống kê, có tới 13,5 triệu người dân tại Syria chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại quốc gia Trung Đông này. Trong số đó, 6,3 triệu người đã mất chỗ ở và 4,6 triệu người đang bị mắc kẹt tại các khu vực bị vây hãm hoặc khó tiếp cận.