Kể từ khi xảy ra vụ việc vào tuần trước, đến nay cảnh sát đã bắt giữ 10 đối tượng liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ rượu giả.
Theo chính quyền vùng Orenburg, trong vụ việc lần này có 67 người bị ngộ độc rượu, trong đó 34 người đã tử vong. Bảy người đang trong tình trạng nguy kịch, trong đó 4 người phải sử dụng máy trợ thở.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cảnh sát đã tiến hành điều tra và thu giữ 2.000 chai rượu vào ngày 9/10, đồng thời cho biết các chai này có chứa methanol, một loại chất độc hại.
Rượu mạnh tự chế và các đồ uống có cồn khác là những sản phẩm được ưa chuộng ở Nga lâu nay. Các loại đồ uống này được coi như một sự thay thế giá rẻ cho các thương hiệu đồ uống tiêu chuẩn, song các sản phẩm thiếu an toàn này là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các ca tử vong liên quan đến rượu. Khách hàng tiêu thụ các sản phẩm này thường là những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Năm 2016, 77 người ở Siberia đã tử vong sau khi uống “dầu tắm” có chứa methanol.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019, Nga là một trong những nước mà tỷ lệ người dân bị nghiện rượu cao nhất thế giới, tuy nhiên mức tiêu thụ loại đồ uống này vào năm 2016 đã giảm 43% so với năm 2003. Điều này đã giúp tuổi thọ trung bình tại Nga tăng nhanh trong những năm gần đây.