Tuyên bố của ông Putin được đưa ra sau khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Bình Nhưỡng, nơi hai bên đã kí hiệp ước quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là hiệp ước phòng thủ chung.
“Những người cung cấp những vũ khí này tin rằng họ không có chiến tranh với chúng tôi. Tôi đã nói, kể cả ở Bình Nhưỡng, rằng chúng tôi có quyền cung cấp vũ khí cho các khu vực khác trên thế giới”, Tổng thống Putin nói với các phóng viên khi trả lời câu hỏi liệu việc cung cấp vũ khí tầm xa của phương Tây cho Ukraine có phải là hành động gây hấn hay không.
Việc Nga và Triều Tiên ký hiệp ước phòng thủ chung trong tuần này đã gây ra phản ứng khắp khu vực, với việc Hàn Quốc triệu tập đặc phái viên của Nga hôm 21/6, còn Nhật Bản và Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc. Mỹ sau đó gọi những bình luận của Tổng thống Putin là “cực kỳ đáng lo ngại”.
Hiệp ước quốc phòng, xuất phát từ bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, là thỏa thuận quan trọng nhất được ký kết giữa Nga và Triều Tiên trong nhiều thập kỷ và được coi là sự hồi sinh của cam kết phòng thủ chung thời Chiến tranh Lạnh năm 1961 giữa hai nước.
Thỏa thuận này được ký kết hôm 19/6 trong chuyến đi của Tổng thống Nga tới Bình Nhưỡng, nơi ông nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ, đã phản đối hiệp ước này và triệu tập đại sứ Nga để bày tỏ quan ngại, một động thái ngoại giao hiếm hoi minh họa cho căng thẳng giữa Seoul và Moskva.
Theo hãng tin AP, Hàn Quốc hôm 20/6 cho biết họ sẽ xem xét việc gửi vũ khí cho Ukraine, một sự thay đổi chính sách lớn được đề xuất sau khi Nga và Triều Tiên ký một hiệp ước tương trợ lẫn nhau.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chang Ho-jin cho biết, Seoul sẽ xem xét lại vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp nước này liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra với Nga.
Hàn Quốc, một nước xuất khẩu vũ khí đang phát triển với quân đội được trang bị tốt và được Mỹ hậu thuẫn, đã cung cấp viện trợ nhân đạo và các hỗ trợ khác cho Ukraine, đồng thời tham gia các lệnh trừng phạt kinh tế do Washington dẫn đầu nhằm vào Moskva. Nhưng nước này không trực tiếp cung cấp vũ khí cho Kiev, với lý do chính sách lâu đời là không cung cấp vũ khí cho các quốc gia đang có xung đột.