Nhu cầu năng lượng đã tăng lên khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 , qua đó đẩy giá dầu, khí đốt, than đá leo thang và gây ra áp lực lạm phát. Diễn biến đó cũng làm suy yếu nỗ lực cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm trong cuộc chiến chống lại quá trình nóng lên toàn cầu.
Tình trạng nguồn cung khí đốt của châu Âu bị thắt chặt đã khiến Nga nhận được nhiều sự chú ý, khi quốc gia này chiếm tới 1/3 nguồn cung của khu vực. Thậm chí, một số chính trị gia châu Âu đã đổ lỗi cho Nga và cáo buộc nước này không bơm đủ dầu cho khối.
Phát biểu tại một hội nghị năng lượng ở Moskva, Tổng thống Putin nói rằng thị trường khí đốt không cân bằng hoặc không thể dự đoán được, đặc biệt là ở châu Âu. Ông cho biết Nga đang đáp ứng các nghĩa vụ theo hợp đồng cung cấp cho khách hàng và sẵn sàng tăng nguồn cung nếu được yêu cầu.
Ông Putin bác bỏ những cáo buộc rằng Nga đang sử dụng nguồn cung năng lượng như một vũ khí, cho đây chỉ là lời nói có động cơ chính trị và không dựa trên cơ sở nào. Trước đó, một quan chức của Ủy ban châu Âu cho hay phía EU không yêu cầu Nga tăng nguồn cung khí đốt cho khối.
Những phát ngôn trên của Tổng thống Putin được đưa ra khi các bộ trưởng EU sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường vào ngày 26/10 để thảo luận về tình trạng tăng giá năng lượng đột biến.
Khi năng lượng tái tạo không thể lấp đầy khoảng trống trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá dầu và khí đốt đều đồng loạt leo thang. Giá dầu Brent đã tăng lên gần với mức cao nhất trong hơn ba năm hồi tuần trước là trên 84 USD/thùng.
Ông Putin cho rằng giá dầu có khả năng lên tới 100 USD/thùng, đồng thời khẳng định Nga và các đối tác Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang nỗ lực hết sức để ổn định thị trường.