Nga lại điều tàu chở dầu phá băng qua Vòng Bắc Cực để tới Trung Quốc

Nga đang đưa một tàu chở dầu phá băng tới Trung Quốc qua Vòng Bắc Cực. Đây mới là lần thứ hai nước này khám phá một tuyến đường hứa hẹn sẽ đưa dầu thô đến tay người mua châu Á nhanh hơn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Getty Images

Theo Business Insider ngày 8/11, con tàu mang tên Vasily Dinkov đã nhận một lượng dầu nhỏ từ một tàu trữ dầu ở Murmansk vào cuối tháng 10. Con tàu này đang thực hiện chuyến hành trình khó khăn dài 5.310 km qua những vùng biển thường chứa nhiều băng trôi để đến cảng Rizhao của Trung Quốc. Tại đây, tàu dự kiến ​​cập cảng vào ngày 17/11.

Hành trình này là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Âu và Đông Á. Theo đó, Nga chỉ mất một nửa thời gian để đưa dầu đến Trung Quốc từ các cảng biển Baltic so với con đường tiêu chuẩn qua Kênh đào Suez.

Ông Viktor Katona, nhà phân tích hàng đầu của công ty nghiên cứu Kpler, nhận định tuyến đường đó có thể trở nên quan trọng nếu thời tiết mùa hè ấm hơn.

Theo ông Katona, các nhà nhập khẩu châu Âu đang xa lánh nguồn cung năng lượng của Nga sau xung đột ở Ukraine. Nếu châu Âu không mua dầu Nga, Nga không có lý gì phải đi đường vòng rất xa thay vì đi tuyến đường nói trên để đến Trung Quốc trong 20 ngày.

Theo kế hoạch, Liên minh châu Âu (EU) sẽ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển vào ngày 5/12, có nghĩa là Nga sẽ không còn thị trường EU. Các chuyến dầu thô của Nga đến khu vực EU đã giảm 60% kể từ hồi tháng 2.

Lệnh trừng phạt trên sẽ cấm các tàu chở dầu EU vận chuyển dầu của Nga. Lệnh này sẽ khiến quá trình giao hàng cho những người mua thay thế ở Ấn Độ mất thời gian gấp 10 lần.

Tương tự Ấn Độ, Trung Quốc đã bắt đầu thu mua dầu thô Nga với giá chiết khấu khi Nga tìm kiếm những người mua thay thế cho thị trường châu Âu. Vận chuyển dầu qua đường biển đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng vào tuần trước khi các tàu thuyền khẩn trương rời cảng để kịp giao hàng trước khi lệnh cấm vận của EU có hiệu lực.

Trong khi đó, Anh đang tìm cách ngăn chặn các quốc gia sử dụng dịch vụ của nước này để vận chuyển dầu của Nga, trừ khi dầu được mua với mức giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần do phương Tây đặt ra. Biện pháp này là một phần của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Chính phủ Anh cho biết lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, áp dụng cho các dịch vụ của Anh bao gồm bảo hiểm, môi giới và vận chuyển. Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt thông báo: “Chúng tôi đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào Anh và đang đạt được tiến triển trong việc loại bỏ hoàn toàn dầu của Nga trong thời gian tới”.

Hồi tháng 3/2022, Chính phủ Anh thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các chế phẩm dầu mỏ của Nga (chiếm khoảng 8% lượng nhập khẩu của Anh) vào cuối năm nay.

EU cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển từ ngày 5/12, còn Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã nhất trí thiết lập một mức giá cố định sau khi đạt đồng thuận về việc áp giá trần đối với dầu mỏ Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác trong G7 cho rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ thắt chặt nguồn thu của nước này mà không làm giảm nguồn cung cho người tiêu dùng. Các nguồn tin cho biết thêm kế hoạch này cũng giúp các công ty bảo hiểm yên tâm thực hiện các hợp đồng mà không phải lo ngại về việc các nước mua dầu mỏ của Nga điều chỉnh giá, điều mà có thể khiến họ đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Trước đó, hồi đầu tháng 9, G7 đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, theo đó dầu thô bị áp giá trần từ ngày 5/12, còn các sản phẩm dầu mỏ bị áp giá trần từ ngày 5/2/2023.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Áp giá trần dầu khí Nga có ‘khai tử’ thị trường năng lượng tự do?
Áp giá trần dầu khí Nga có ‘khai tử’ thị trường năng lượng tự do?

Áp giá trần dầu khí Nga là vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Liên minh châu Âu (EU) đang áp trần giá khí đốt, còn nhóm G7 đang cố gắng áp trần giá dầu Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN