Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị ngoại trưởng Hội đồng Bắc cực tại bang Alaska, Mỹ, Ngoại trưởng Nga cho biết không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tham gia với tư cách là quan sát viên tại các vùng giảm căng thẳng ở Syria, song nhấn mạnh rằng điều đó cần được tất cả các bên liên quan nhất trí, bao gồm cả chính quyền quốc gia Trung Đông này.
Cảnh yên bình trên một con phố ở Douma, ngoại ô phía đông thủ đô Damascus sau khi thỏa thuận thiết lập vùng an toàn có hiệu lực. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông, Lavrov, sau 10-12 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc gặp của các chuyên gia Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - các nước bảo trợ ngừng bắn tại Syria để thảo luận những vấn đề cụ thể về việc thiết lập các vùng giảm căng thẳng, bao gồm cả các khu vực an toàn xung quanh các vùng giảm căng thẳng, các trạm giám sát và kiểm soát.
Trong khi đó, phát biểu trên kênh truyền hình ONT của Belarus ngày 11/5, Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhấn mạnh sáng kiến thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại nước này là đúng đắn, và cho rằng để đạt được những kết quả cụ thể cần phải có thời gian. Theo Tổng thống Assad, mục tiêu của việc thiết lập các vùng giảm căng thẳng là nhằm bảo vệ dân thường và tạo điều kiện cho lực lượng đối lập ký kết thỏa thuận ngừng bắn với chính quyền Damacus, đồng thời chấm dứt đổ máu để thúc đẩy tiến trình chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đã kéo dài hơn 6 năm qua tại Syria.
Theo bản ghi nhớ về thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria, được đại diện phái đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ký ngày 4/5, các hoạt động quân sự không được phép triển khai tại đây bao gồm cả các chuyến bay của lực lượng không quân. Các vùng giảm căng thẳng được thành lập tại 4 khu vực, gồm tỉnh Idlib, một số vùng liền kề tới phía Bắc tỉnh Homs , Đông Ghouta và một loạt các tỉnh ở miền Nam Syria (Daraa và Al-Quneitra).