Tờ Business Insider cho biết theo thông báo được gửi cho Cơ quan Lưu ký Thanh toán Quốc gia Nga, Bộ Tài chính Nga lên kế hoạch trả lãi và trả gốc khoản nợ đến hạn vào ngày 4/4.
Khoản nợ 2 tỷ USD là khoản nợ lớn nhất sắp đáo hạn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Bộ Tài chính Nga cũng chuẩn bị thanh toán lãi trái phiếu đáo hạn vào năm 2042 và ngày thanh toán lãi cũng được ấn định vào ngày 4/4.
Hai tuần trước, Nga đã trả 117 triệu USD tiền lãi của hai trái phiếu ngoại tệ. Đây là một phần trong số khoản thanh toán 2,6 tỷ USD mà nước này phải trả trong những tuần tới.
Nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ của Nga sau khi nước này bị áp đặt một loạt lệnh trừng phạt quốc tế, bị cắt đứt khỏi nguồn dự trữ ngoại tệ trị giá khoảng 640 tỷ USD và không còn khả năng tiếp cận phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu.
Sau khi Nga khoản thanh toán nợ vào tháng 3, công ty nghiên cứu MSCI cho biết các nhà đầu tư vẫn cho rằng có 50% khả năng Nga vỡ nợ trong 12 tháng tới. Tỷ lệ dự báo này giảm so với tỷ lệ 80% được đưa ra trước khi Nga thanh toán nghĩa vụ nợ.
Ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn ở Mỹ Fitch, Moody's và S&P Global đều đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga do dự báo Nga vỡ nợ.
Trước đó, cựu Giám đốc danh mục đầu tư của công ty Elliott Management, ông Jay Newman cho rằng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt do Mỹ áp đặt có thể phản tác dụng và việc ngăn Nga tiếp cận thị trường và thương mại toàn cầu sẽ khiến Nga không còn động lực tiếp tục trả nợ. Ông nói: “Việc một quốc gia chịu các lệnh trừng phạt kinh tế ngày càng gia tăng và dai dẳng mà vẫn trả nợ là điều bất thường. Những lệnh trừng phạt này gây ra những hậu quả không lường trước được”.
Mặc dù Nga nợ các ngân hàng Mỹ gần 15 tỷ USD, nhưng các nhà kinh tế cho rằng việc Nga vỡ nợ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến thị trường toàn cầu trong dài hạn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Nga tương đối tách biệt với phần còn lại của thế giới khiến nước này không quá ảnh hưởng đến hệ thống. Tuy nhiên, xung đột Ukraine-Nga và các hệ lụy đã gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ước tính xung đột ở Ukraine sẽ làm giảm tăng trưởng toàn cầu một điểm phần trăm và làm tăng lạm phát hơn hai điểm phần trăm. Các chuyên gia kinh tế khác cho rằng chiến tranh đã làm tăng khả năng suy thoái của Mỹ từ 10% lên 35% trong năm tới.