Nguy cơ này đã trở nên rõ hơn sau khi người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Kristalina Georgieva, thừa nhận rằng việc Nga vỡ nợ không còn là một “sự kiện không thể xảy ra”.
Hãng tin AP đã đánh giá những vấn đề xảy ra trong trường hợp Nga rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Tại sao các chuyên gia phương Tây nhận định Nga có khả năng vỡ nợ?
Ngày 15/3, Nga đã phải đối mặt với khoản thanh toán lãi 117 triệu USD cho hai loại trái phiếu bằng đô-la Mỹ.
Nhưng các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đáp trả chiến dịch của Nga ở Ukraine đã đặt ra những hạn chế nghiêm trọng đối với các ngân hàng và các giao dịch tài chính của họ với Nga. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết chính phủ đã ban hành hướng dẫn thanh toán bằng USD, nhưng nói thêm rằng nếu các ngân hàng không thể làm điều đó vì lệnh trừng phạt, việc thanh toán sẽ được thực hiện bằng đồng ruble.
Như vậy, Nga có tiền để thanh toán, nhưng không thể làm điều đó vì các lệnh trừng phạt đã hạn chế giao dịch của các ngân hàng với Moskva và đóng băng phần lớn dự trữ ngoại tệ của nước này.
Hiện tại, các cơ quan xếp hạng đã hạ cấp xếp hạng tín dụng của Nga xuống dưới mức đầu tư. Fitch xếp hạng tín dụng Nga ở mức “C”, và theo quan điểm của hãng này, “một vụ vỡ nợ có chủ quyền (tức vỡ nợ khi một chính phủ không trả được nợ quốc gia) sắp xảy ra”.
Một số trái phiếu của Nga cho phép thanh toán bằng đồng ruble trong một vài trường hợp nhất định. Nhưng những trái phiếu đến hạn trả lãi ngày 15/3 thì không. Và các dấu hiệu cho thấy giá trị của đồng ruble sẽ được xác định bởi tỷ giá hối đoái hiện tại, vốn đã lao dốc - có nghĩa là các nhà đầu tư (chủ nợ) sẽ nhận được ít tiền hơn rất nhiều.
Ngay cả đối với trái phiếu cho phép thanh toán bằng đồng ruble, mọi chuyện có thể cũng phức tạp. Ông Clay Lowery, Phó chủ tịch điều hành tại Hiệp hội Các tổ chức tài chính của Viện Tài chính Quốc tế, cho biết: “Ruble rõ ràng không phải là vô giá trị, nhưng chúng đang mất giá nhanh chóng".
Cơ quan xếp hạng Moody’s cho rằng “tất cả đều bình đẳng, thanh toán bằng đồng ruble cũng có thể bị vỡ nợ theo định nghĩa của chúng tôi... Tuy nhiên, chúng tôi cần phải hiểu sự kiện và hoàn cảnh của các giao dịch cụ thể trước khi đưa ra quyết định [đánh giá] vỡ nợ”.
Nga nợ nước ngoài bao nhiêu?
Nga nợ nước ngoài tổng cộng khoảng 491 tỷ USD, với 80 tỷ USD sẽ phải trả trong 12 tháng tới, theo Algebris Investments. Trong số này, 20,5 tỷ USD là trái phiếu bằng USD do những người không phải cư dân Nga nắm giữ.
Làm thế nào để biết một quốc gia đang vỡ nợ?
Các cơ quan xếp hạng có thể hạ xếp hạng của quốc gia đó xuống mức vỡ nợ, hoặc tòa án có thể quyết định về tình trạng đó.
Các trái chủ (bên cho vay) không được trả nợ có thể yêu cầu một uỷ ban gồm các đại diện của công ty tài chính quyết định xem liệu việc không thanh toán nợ có kích hoạt một khoản bồi thường lớn hay không. Và đây vẫn không phải là tuyên bố chính thức về tình trạng vỡ nợ của quốc gia.
Vụ việc có thể phức tạp. “Sẽ có rất nhiều luật sư tham gia,” công ty luật IIF’s Lowery nói.
Những tác động nếu Nga vỡ nợ
Các nhà phân tích đầu tư đang thận trọng tính toán rằng một vụ vỡ nợ của Nga sẽ không có tác động lớn đến các tổ chức và thị trường tài chính toàn cầu như vụ vỡ nợ năm 1998. Vào thời điểm đó, việc Nga vỡ nợ trái phiếu bằng đồng ruble đã trở thành sự cố đứng đầu cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á.
Chính phủ Mỹ đã phải can thiệp và yêu cầu các ngân hàng cứu trợ cho Quỹ Quản lý Vốn dài hạn, một quỹ đầu cơ lớn của Mỹ mà sự sụp đổ của nó có thể đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính và ngân hàng rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, lần này, “thật khó để nói trước 100%, bởi vì mọi cuộc vỡ nợ của chính phủ đều khác nhau và ảnh hưởng toàn cầu sẽ chỉ được nhìn thấy khi nó đã xảy ra” - chuyên gia Daniel Lenz, phụ trách chiến lược tỷ giá euro tại Ngân hàng DK ở Frankfurt cho biết.
Tác động bên ngoài Nga có thể được giảm bớt vì các nhà đầu tư và công ty nước ngoài đã giảm hoặc tránh các giao dịch ở Nga kể từ vòng trừng phạt do Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt vào năm 2014 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Tổng giám đốc IMF Georgieva nói rằng, mặc dù chiến tranh để lại những hậu quả tàn khốc về con người và có tác động kinh tế trên phạm vi rộng về giá năng lượng, lương thực, nhưng một vụ vỡ nợ của Nga sẽ “chắc chắn không liên quan có hệ thống” về rủi ro đối với các ngân hàng trên thế giới.
Các trái chủ hay chủ nợ - ví dụ như các quỹ đầu tư vào trái phiếu thị trường mới nổi - có thể bị thua lỗ nghiêm trọng. Xếp hạng hiện tại của Moody's ngụ ý rằng các chủ nợ sẽ chịu thiệt hại từ 35% đến 65% đối với khoản đầu tư của họ nếu xảy ra vỡ nợ chủ quyền.
Điều gì xảy ra khi một quốc gia vỡ nợ?
Thường thì các chủ nợ và chính phủ vỡ nợ sẽ thương lượng một thoả thuận dàn xếp trong đó các trái chủ được trao trái phiếu mới có giá trị thấp hơn nhưng ít nhất cũng phải bồi thường một phần cho họ. Tuy nhiên, thật khó để xem điều đó có thể xảy ra như thế nào hiện nay khi chiến tranh đang diễn ra và các lệnh trừng phạt của phương Tây ngăn cản nhiều giao dịch với Nga, các ngân hàng và công ty của nước này.
Trong một số trường hợp, chủ nợ có thể khởi kiện. Trong trường hợp này, trái phiếu Nga được cho là đi kèm với các điều khoản cho phép nhóm chủ nợ chiếm đa số đi đến một thoả thuận và sau đó áp đặt cách giải quyết đó lên nhóm thiểu số. Nhưng một lần nữa, không rõ điều đó sẽ hoạt động như thế nào khi nhiều công ty luật đang thận trọng trong làm việc với phía Nga.
Một khi bị vỡ nợ, quốc gia đó có thể không được tham gia vay nợ trên thị trường trái phiếu cho đến khi khoản vỡ nợ được giải quyết và các nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào khả năng và tình trạng sẵn sàng thanh toán của chính phủ.
Chính phủ Nga vẫn có thể vay đồng ruble ở trong nước, nơi họ chủ yếu bán trái phiếu cho các ngân hàng Nga.
Nga đang phải chịu tác động kinh tế nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt, khiến đồng ruble lao dốc và làm gián đoạn các mối quan hệ thương mại và tài chính với phần còn lại của thế giới. Một vụ vỡ nợ nếu xảy ra sẽ là một biểu hiện nữa cho thấy sự cô lập về chính trị và tài chính với Moskva.