Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, EU đã đồng ý về biện pháp này với 13 thành viên WTO khác là Albania, Australia, Canada, Hàn Quốc, Mỹ, Iceland, Nhật Bản, Bắc Macedonia, Moldova, Montenegro, New Zealand, Na Uy và Anh.
Các quốc gia này đã lưu hành một bản ghi nhớ giữa các thành viên WTO vào ngày 15/3 chỉ ra rằng họ sẽ “thực hiện bất kỳ hành động nào được cho là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của mình”. Các quy định của WTO quy định rằng quy chế MFN có thể được rút lại nếu các lợi ích thiết yếu về an ninh quốc gia bị đe dọa.
Biện pháp này không yêu cầu bất kỳ thủ tục nào trong WTO bởi đây là quyết định đơn phương. Sau cùng, Nga có quyền quyết định có khởi kiện các thành viên được đề cập hay không, nếu nước này cho rằng các quy tắc của WTO bị vi phạm.
Việc rút bỏ quy chế này cho phép EU áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung như tăng thuế quan hoặc các loại hạn chế thương mại khác. Mỗi thành viên WTO đã chọn rút quy chế MFN đối với Nga được tự do áp đặt bất kỳ biện pháp trừng phạt thương mại nào mà họ muốn.
EU vừa áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với thép thành phẩm của Nga cũng như lệnh cấm xuất khẩu đối với một số mặt hàng xa xỉ như rượu, ô tô, hàng điện tử... sang Nga.
Ngoài ra, các bên ký bức thư gửi tới WTO cũng yêu cầu đình chỉ việc đánh giá tư cách ứng cử viên của Belarus gia nhập WTO.
Theo Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của EU từ Nga đạt 145 tỷ euro (158,7 tỷ USD) trong năm 2019, trong đó dầu và khí đốt chiếm 101 tỷ euro.