Quân đội Ukraine thay đổi căn bản với chương trình cải tổ '4 bước'

Năm 2014, một quân đội Ukraine suy yếu trên nhiều phương diện nhưng đã từng bước được cải thiện trong 8 năm qua.

Chú thích ảnh
Lính tình nguyện thuộc Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Ukraine kiểm tra một xe quân sự bị phá huỷ ở ngoại ô Kharkiv. Ảnh: AP

Tướng Ukraine Victor Muzhenko, một cựu chỉ huy hàng đầu của các lực lượng vũ trang Ukraine, từng nói rằng đất nước sở hữu “một đội quân đang bị hủy hoại theo đúng nghĩa đen”. Tuy nhiên, 8 năm sau, hoạt động của quân đội Ukraine đã tỏ ra mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên.

Tác giả Liam Collins, Giám đốc sáng lập Viện Chiến tranh Hiện đại thuộc Học viện quân sự West Point (Mỹ), trong một bài viết trên tờ The Conversation cho rằng sức phản kháng của người Ukraine là kết quả của bốn yếu tố quan trọng.

Hai yếu tố đầu tiên là nỗ lực đã cam kết của Chính phủ Ukraine vào năm 2016, nhằm cải tổ quân đội nước này cùng với nguồn viện trợ và thiết bị quân sự trị giá hàng trăm triệu USD từ phương Tây.

Yếu tố thứ ba là những thay đổi quan trọng trong tư duy quân sự của Ukraine, hiện cho phép các chỉ huy cấp dưới đưa ra các quyết định trên chiến trường. Cho đến gần đây, họ vẫn cần phải xin phép để thay đổi mệnh lệnh, bất kể điều kiện chiến trường thay đổi khiến những mệnh lệnh đó không còn phù hợp hay không.

Yếu tố quan trọng cuối cùng, được cho là quan trọng nhất, đã diễn ra trong người dân Ukraine: Tinh thần tình nguyện quân sự đã xuất hiện.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên may áo vest quân sự cho quân đội Ukraine tại thành phố Lviv, ngày 4/3/2022. Ảnh: AFP 

Từ năm 2016-2018, ông Liam Collin đã giúp Ukraine cải tổ cơ sở quốc phòng. Trong thời gian đó, ông cũng đã tiến hành nghiên cứu thực địa ở Gruzia để nghiên cứu về cuộc chiến tranh Nga-Gruzia năm 2008. 

Cải cách quốc phòng rộng rãi

Năm 2014, Chính phủ Ukraine đã tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện về an ninh quốc gia và quốc phòng. Đánh giá này đã xác định một số vấn đề trực tiếp dẫn đến hiệu suất chiến đấu kém.

Những thiếu sót bao gồm từ việc không có khả năng chống lại các cuộc tấn công mạng đến việc cung cấp dịch vụ quân y kém và nguồn cung cấp cơ bản luôn cạn kiệt... Nhìn tổng thể thì hoạt động hậu cần và chỉ huy cũng không hiệu quả.

Để khắc phục những thiếu sót này, năm 2016, Tổng thống Ukraine khi đó, ông Petro Poroshenko đã chỉ đạo cải cách sâu rộng ở 5 hạng mục: chỉ huy và kiểm soát; lập kế hoạch, hoạt động; y tế và hậu cần; phát triển lực lượng một cách chuyên nghiệp.

Đó là một kế hoạch đầy tham vọng, đặt mục tiêu hoàn thành chỉ trong 4 năm – đòi hỏi một nỗ lực cực kỳ lớn trong điều kiện hoàn cảnh tốt nhất. Tình hình lại trở nên khó khăn hơn khi người Ukraine vào thời điểm đó đang chiến đấu chống lại lực lượng đòi độc lập ở Donbass.

Chú thích ảnh
Binh sĩ diễn tập với tên lửa chống tăng NGLAW do Anh viện trợ tại Lviv. Ảnh: Reuters

Mặc dù toàn bộ các cải cách đề ra vẫn chưa được thực hiện, nhưng đã có những cải thiện đáng kể trong 6 năm qua.

Viện trợ quân sự của Mỹ

Để hỗ trợ cải cách quân đội Ukraine, Mỹ đã tăng viện trợ tài chính cho nước này. Năm 2014, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã hỗ trợ Ukraine 291 triệu USD, và đến cuối năm 2021, Mỹ đã cung cấp tổng cộng 2,7 tỷ USD cho đào tạo và trang thiết bị.

Mỹ đã giúp huấn luyện binh sĩ Ukraine tại căn cứ quân sự Yavoriv. Căn cứ nhanh chóng trở thành một trung tâm huấn luyện hàng đầu, nơi ước tính có 5 tiểu đoàn được huấn luyện hàng năm kể từ năm 2015.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Ukraine đang dỡ lô 92 tên lửa Stinger được chuyển tới Kiev vào đầu tháng 2/2022. Ảnh: AP 

Năm 2016, Tổng thống Poroshenko đã nhờ các cố vấn quốc phòng cấp cao từ Mỹ, Canada, Anh, Litva và Đức tư vấn cho Ukraine về việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang với mục tiêu đạt được các tiêu chuẩn, quy tắc và thủ tục của NATO vào năm 2020.

Một trong những quy tắc của NATO là yêu cầu về quyền kiểm soát dân sự đối với quân đội, trong khi vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine là một tướng tại ngũ. Một tiêu chuẩn quan trọng khác của NATO là đảm bảo rằng Ukraine có thể tích hợp hỗ trợ hậu cần của mình với các đơn vị NATO khác khi triển khai.

Sự hỗ trợ của phương Tây cũng bao gồm nhiều loại vũ khí và thiết bị khác nhau, như xe quân sự Humvee, máy bay không người lái, súng bắn tỉa, radar định vị nguồn gốc hỏa lực của đối phương và ống ngắm được sử dụng để xác định mục tiêu vào ban ngày hoặc ban đêm.

Một mối quan tâm đặc biệt của người Ukraine là có được các tên lửa chống tăng tốt hơn. Khi xe tăng T-90 hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ukraine vào năm 2014, vũ khí khi đó của quân đội Ukraine không thể xuyên thủng lớp giáp của T-90.

Năm 2017, Mỹ đã cung cấp những bộ tên lửa chống tăng vác vai Javelin đầu tiên cho Ukraine. 

Chú thích ảnh
Xe tăng bị phá huỷ sau trận chiến trên con đường chính gần Brovary, phía bắc Kiev, Ukraine ngày 10/3/2022. Ảnh: AP

Khi căng thẳng nóng lên ở biên giới Nga – Ukraine vào đầu năm nay, các quốc gia phương Tây đã gửi thêm vũ khí và đạn dược cho Ukraine, bao gồm tên lửa Stinger từ Litva và Latvia, tên lửa chống tăng Javelin từ Estonia và tên lửa chống tăng NLAW từ Anh.

Ra quyết định trên chiến trường

Vào năm 2014, kỷ luật quân đội Ukraine không khuyến khích việc chấp nhận rủi ro của các chỉ huy cấp dưới - các trung úy và đại uý đang tiến hành các cuộc giao tranh trên bộ. Không thể tự đưa ra quyết định, các chỉ huy cấp dưới buộc phải xin phép trước khi họ có thể hành động, do đó loại trừ khả năng xảy ra cái gọi là “các sáng kiến có kỷ luật”.

Những sáng kiến này được đưa ra khi các mệnh lệnh chiến trường ban đầu không còn phù hợp với tình hình đã thay đổi. Với tốc độ, khả năng cơ động và tính sát thương của chiến tranh hiện đại, các “sáng kiến có kỷ luật” có thể tạo nên sự khác biệt giữa thành công và thất bại.

Trong khi chiến đấu với lực lượng đòi độc lập ở Donbass vào năm 2014, người Ukraine nhanh chóng hiểu rằng các chỉ huy cấp thấp, như trung đội trưởng, đại đội trưởng, không thể chờ đợi sự chấp thuận từ chỉ huy cấp cao hơn cho mọi hành động. Bởi đơn giản là tốc độ của trận chiến diễn ra quá nhanh.

Sau đó, một văn hóa quân sự mới đã xuất hiện, và người Ukraine hiện đang chiến đấu với một phương châm mới: Kết quả quan trọng hơn quá trình. 

Chú thích ảnh
Một xe tăng bốc cháy bên đường. Ảnh: EPA

Quốc gia của những người tình nguyện

Những người tình nguyện từ khắp Ukraine đã đến Donbass vào năm 2014 tham gia cuộc chiến. Số lượng nhiều đến mức các tiểu đoàn tình nguyện phải được thành lập.

Nhưng khi đó, có rất ít thời gian cho việc đào tạo. Những người lính tình nguyện được đưa vào các đơn vị mới thành lập nhanh chóng với đồng phục ngụy trang không phù hợp và được gửi đến mặt trận với một loạt vũ khí.

Để khắc phục các vấn đề trong việc tổ chức các nỗ lực tình nguyện, Ukraine đã thông qua một đạo luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2022. Luật này cho phép thành lập Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ.(TDF) như một nhánh độc lập trong quân đội, bao gồm một số là quân nhân chuyên nghiệp và còn lại là lực lượng tình nguyện. Lực lượng này tổ chức 120.000 lính dự bị thành 20 lữ đoàn.

Chú thích ảnh
Tình nguyện viên thu thập và tổ chức cứu trợ nhân đạo tại Lviv ngày 28/2/2022. Ảnh: Ukraine.ua 

Mặc dù chiến dịch của Nga được tiến hành khi TDF chưa được xây dựng đầy đủ, nhưng lực lượng này vẫn cung cấp một cơ cấu có tổ chức khi chiến tranh diễn ra, theo tác giả Liam Collins.

 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo The Conversation)
Xung đột khiến kinh tế Ukraine thiệt hại 119 tỷ USD
Xung đột khiến kinh tế Ukraine thiệt hại 119 tỷ USD

Ngày 11/3, Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Denys Kudin cho biết cuộc xung đột hiện nay đã gây thiệt hại lên tới 119 tỷ USD cho nền kinh tế Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN