Theo CNN, Goldman Sachs là ngân hàng lớn đầu tiên của phương Tây rút khỏi Nga sau chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Nhiều khả năng theo sau hành động đó là tổn thất hàng chục tỷ đô-la.
“Người khổng lồ” Phố Wall cho biết hôm 10/3 rằng họ đang "cắt giảm hoạt động kinh doanh của mình ở Nga để tuân thủ các yêu cầu về quy định và cấp phép".
Quyết định rời khỏi Nga diễn ra sau một cuộc chạy đua với thời gian của các ngân hàng phương Tây nhằm kiểm đếm mức độ tiếp xúc của họ với Nga, nhằm đánh giá ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt bao trùm hầu hết hệ thống tài chính của đất nước này, bao gồm cả ngân hàng trung ương và các tổ chức cho vay thương mại hàng đầu như ngân hàng VTB và Sberbank.
Nó cũng diễn ra sau khi các doanh nghiệp phương Tây rút khỏi mọi lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga, và khi các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cảnh báo rằng một vụ vỡ nợ của Nga sắp xảy ra.
Các ngân hàng quốc tế cho các thực thể Nga vay trên 121 tỷ USD - theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), vốn đã đình chỉ tư cách thành viên của Nga ngày 10/3. Các ngân hàng châu Âu cho vay trên 84 tỷ USD, trong đó các ngân hàng Pháp, Italy và Áo có số nợ cao nhất, và các ngân hàng Mỹ cho Nga nợ 14,7 tỷ USD.
Goldman Sachs (GS) trước đó tiết lộ rằng họ cho Nga vay 650 triệu USD vào tháng 12/2021.
Các ngân hàng khác có thể sớm theo chân Goldman Sachs ra khỏi Nga. Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/3 cho biết tình hình kinh tế ở Nga là "hoàn toàn chưa có tiền lệ" và đổ lỗi cho phương Tây về một "cuộc chiến tranh kinh tế". Moskva đã cam kết sẽ trả đũa các lệnh trừng phạt và một số ngân hàng cho rằng tài sản của họ có thể bị Điện Kremlin tịch thu hoặc quốc hữu hóa.
Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings đã cảnh báo trước đó rằng chất lượng tài sản của các ngân hàng lớn ở Tây Âu sẽ bị áp lực bởi tác động từ việc hành động quân sự của Nga ở Ukraine, và hoạt động của họ cũng đối mặt với rủi ro gia tăng khi phải tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Ngân hàng Pháp Societe Generale (SCGLF) tuần trước cho biết họ đang "tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các luật, quy định hiện hành và đang tích cực thực hiện các biện pháp cần thiết để thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt quốc tế ngay khi chúng được công bố”.
Societe Generale cho biết họ có gần 21 tỷ USD liên quan đến Nga tính tới cuối năm ngoái. Tuy nhiên ngân hàng Pháp khẳng định họ "có nhiều vùng đệm để chấp nhận hậu quả của một kịch bản cực đoan tiềm ẩn, theo đó tập đoàn này sẽ bị tước quyền sở hữu đối với các tài sản ngân hàng của mình ở Nga”.
Ngân hàng BNP Paribas của Pháp cho biết hôm 9/3 rằng sự tiếp xúc của họ với cả Nga và Ukraine tổng cộng là 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD).
Ngân hàng UniCredit của Italy, hoạt động tại Nga từ năm 1989, tuần trước cho biết chi nhánh tại Nga của họ có nguồn vốn và thanh khoản tốt, nhượng quyền thương mại chỉ chiếm 3% doanh thu. Ngày 8/3, UniCredit cho hay tiếp xúc của họ với Nga tổng cộng vào khoảng 7,4 tỷ euro (8,1 tỷ USD).
Credit Suisse của Thuỵ Sĩ hôm 10/3 thông báo họ đã tiếp xúc với Nga 1 tỷ franc Thụy Sĩ (1,1 tỷ USD). Ngân hàng Deutsche Bank thì cho biết trong một tuyên bố hôm 9/3 rằng họ "hạn chế" tiếp xúc với Nga, với tổng mức cho vay là 1,4 tỷ euro (1,5 tỷ USD). Nhà cho vay Đức khẳng định đã giảm đáng kể sự tiếp xúc với Nga kể từ năm 2014, với các hành động tiết chế tiếp theo được thực hiện trong hai tuần qua.
Các ngân hàng Mỹ cũng có thể cảm nhận được “nỗi đau”. Citigroup tiết lộ vào tuần trước rằng họ có tổng cộng khoảng 10 tỷ USD tiếp xúc với Nga.
Giám đốc tài chính của ngân hàng này, ông Mark Mason nói với các nhà đầu tư rằng Citigroup đã thực hiện các thử nghiệm đánh giá hậu quả "trong các kịch bản căng thẳng khác nhau”. Ông Mason cho biết ngân hàng có thể mất khoảng một nửa tổng số tiền tiếp xúc với Nga trong một kịch bản "nghiêm trọng".
Hôm 9/3, Citigroup nói họ sẽ bám sát kế hoạch thoát khỏi hoạt động kinh doanh ngân hàng tiêu dùng, nhưng có thể rất khó tìm được người mua do môi trường chính trị và kinh tế hiện tại.
"Khi nỗ lực hướng tới lối ra đó, chúng tôi đang điều hành hoạt động kinh doanh tại Nga trên cơ sở hạn chế hơn trong hoàn cảnh và nghĩa vụ hiện tại", Citigroup cho biết trong một tuyên bố. "Với việc nền kinh tế Nga đang trong quá trình bị ngắt kết nối khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, chúng tôi tiếp tục đánh giá các hoạt động của mình tại nước này".
Ngày 10/3 Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đề cập tới rủi ro đối với lĩnh vực ngân hàng, trấn an rằng hệ thống tài chính của châu Âu có đủ thanh khoản và có những dấu hiệu căng thẳng ở mức hạn chế. "Nga quan trọng về thị trường năng lượng, về giá cả hàng hóa, nhưng xét về mức độ tiếp xúc của khu vực tài chính, của khu vực tài chính châu Âu, thì Nga không quá liên quan", ông Luis de Guindos, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết.
Ông nói thêm: “Những sức ép và căng thẳng mà chúng tôi đã thấy không thể so sánh được với những gì đã xảy ra vào đầu đại dịch".