Giới tỷ phú Nga lo thu vén gấp tài sản, ‘né’ lệnh trừng phạt

Cùng ngày EU ra lệnh trừng phạt, ông trùm ngành thép, người giàu thứ tư nước Nga, Alexey Mordashov đã chuyển quyền kiểm soát khoảng 1,1 tỷ USD cổ phần trong công ty khai mỏ Nordgold cho vợ.

Chú thích ảnh
Du thuyền Lady M, thuộc sở hữu của tỷ phú Nga Alexey Mordashov đã bị giới chức Italy thu giữ. Trong ảnh, Lady M đậu tại Imperia, Italy, ngày 7/3/2022, nguồn: Bloomberg/Getty Images

Trong đêm 4/3, cảnh sát Italy tại cảng Imperia, thành phố Ligurian đã bao vây một siêu du thuyền dài 65 mét của người giàu thứ tư nước Nga, Alexey Mordashov.

Liên minh châu Âu đã trừng phạt tỷ phú này vào ngày 28/2, vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các tài sản rộng lớn của Mordashov ở châu Âu - bao gồm cả du thuyền "Lady M", với hồ bơi và thẩm mỹ viện - dường như đã bị chính quyền đóng băng.

Tuy nhiên, Mordashov đã có những động thái riêng. Cùng ngày bị EU xử phạt, ông trùm ngành thép người Nga đã chuyển quyền kiểm soát khoảng 1,1 tỷ USD cổ phần trong công ty khai mỏ Nordgold có trụ sở tại London cho vợ là Marina Mordashova. Ông cũng đã chuyển một phần tài sản trị giá 1,7 tỷ USD cổ phần của mình trong công ty kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng TUI AG sang một công ty được thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Khi các quốc gia trên toàn thế giới gây áp lực lên các nhân vật trong tầng lớp thượng lưu của Nga như một cách để gây sức ép với Tổng thống Vladimir Putin, họ thường nhắm vào những siêu du thuyền, bất động sản sang trọng hay các câu lạc bộ thể thao, nhằm thể hiện nỗ lực trừng phạt đang phát huy tác dụng.

Nhưng theo trang Bloomberg, các tỷ phú Nga đã âm thầm thực hiện một loạt động thái để bảo vệ tài sản của mình trong khả năng tốt nhất có thể. Những tiết lộ từ hồ sơ bí mật của các công ty, có thể mất thêm nhiều ngày nữa mới được công khai, cho thấy giới siêu giàu Nga đang chuyển đổi cổ phần sở hữu, từ bỏ vai trò trong hội đồng quản trị và từ bỏ quyền kiểm soát. Tất cả đều là một phần của cuộc chạy đua trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, Anh và EU, nhằm cơ cấu lại tài sản trong lúc họ còn có thể.

Chú thích ảnh
Người giàu thứ tư của nước Nga, tỷ phú AlexeyMordashov. Ảnh: Bloomberg

Một ví dụ là Mikhail Fridman, người đã bị EU trừng phạt cùng với tỷ phú Mordashov và đối tác kinh doanh của ông là Petr Aven. Các hồ sơ cho thấy, 2 ngày sau quyết định trừng phạt của EU, Fridman đã nhượng lại quyền kiểm soát đối với ít nhất ba công ty ở Anh, nơi ông không bị trừng phạt. Ông Fridman đã chuyển số cổ phiếu đó cho một cựu nhân viên tại LetterOne, công ty đầu tư mà ông đồng sáng lập.

Bản danh sách vẫn tiếp tục, và bao gồm những nhân vật là đối tượng của vòng trừng phạt mới từ EU trong tuần này.

Tỷ phú Vadim Moshkovich đã cắt giảm cổ phần của mình trong tập đoàn nông nghiệp Ros Agro Plc xuống dưới 50% trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Andrey Melnichenko rút lui với tư cách là người hưởng lợi từ số cổ phần trị giá khoảng 17 tỷ USD trong nhà sản xuất phân bón EuroChem và nhà cung cấp than nhiệt Suek, từ ngày 9/3, ngày ông và những người khác bị xử phạt.

Những cuộc rút lui đó không ngăn được nhà chức trách Italy thu giữ siêu du thuyền trị giá 580 triệu euro của Melnichenko ở Trieste. Trong một email hôm 12/3 sau khi vụ bắt giữ được công bố, người phát ngôn của Melnichenko cho rằng không có lý do nào biện minh cho việc Melnichenko nằm trong danh sách trừng phạt của EU và ông sẽ khiếu nại các biện pháp này.

Các biện pháp trừng phạt yêu cầu các ngành công nghiệp phải tuân thủ và các công ty phải nhanh chóng tìm hiểu kỹ các lớp quyền sở hữu trong công ty để phát hiện, đóng băng và báo cáo các tài khoản có liên quan. Tại Mỹ, các công ty phải chia sẻ những phát hiện của mình với Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC).

Ông Howard Mendelsohn, Giám đốc khách hàng tại hãng phân tích dữ liệu Kharon, cho biết có thể sẽ mất thời gian để các tổ chức tài chính xác định những tài khoản liên quan của một cá nhân bị trừng phạt. Theo ông, một người nào đó bị trừng phạt có thể sử dụng khoảng thời gian đó như một cơ hội để thuê luật sư, xem xét thay đổi quyền sở hữu và di chuyển tài sản.

“Họ có thể nghĩ, ‘Tôi có một chút thời gian trước khi bất kỳ ai tìm ra tất cả các công ty của tôi, đặc biệt là những công ty thuộc sở hữu đa số. Tôi sẽ xáo trộn. Tôi sẽ đưa con gái, vợ tôi, nhân viên của tôi vào, tôi sẽ cho đứng tên tất cả những thứ này bằng những cái tên khác. Nó sẽ hiển thị và đưa vào trong các tài liệu rằng tôi không phải chủ sở hữu đa số”, ông Mendelsohn nói.

Chú thích ảnh
Du thuyền Amore Vero neo tại khu nghỉ dưỡng La Ciotat, Pháp ngày 3/3/2022. Nhà chức trách Pháp đã thu giữ du thuyền này của tỷ phú Igor Sechin theo lệnh trừng phạt của EU. Ảnh: AP 

Ở Mỹ, có một động cơ rõ ràng để từ bỏ quyền kiểm soát đa số: gọi là quy tắc 50% của OFAC. Quy tắc này quy định rằng tài sản hoặc lợi ích thuộc sở hữu của các cá nhân bị trừng phạt phải bị phong tỏa nếu những người có tên trong danh sách của chính phủ có tổng cổ phần từ 50% trở lên. Vì thế, việc thoái vốn cổ phiếu trở thành một động thái phổ biến để đưa sở hữu xuống dưới ngưỡng đó.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà tài phiệt Nga dùng đến cách xáo trộn tài sản. Ông trùm dầu mỏ Gennady Timchenko đã bán gần 50% cổ phần tại một nhà phân phối xăng dầu Phần Lan vài ngày trước khi trở thành đối tượng trừng phạt sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Tỷ phú Nga Oleg Deripaska đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018. Để đảm bảo công ty nhôm En+ Group International PJSC's bị loại khỏi danh sách của OFAC, ông đã thu hẹp cổ phần của mình từ 70% xuống 45% thông qua một loạt giao dịch phức tạp liên quan đến đấu thầu cổ phần, chuyển nhượng cổ phiếu và quyên góp từ thiện.

OFAC đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với En+ Group, với lý do phần lớn các thành viên hội đồng quản trị là độc lập (không sở hữu đa số).

Các giao dịch như vậy đã tăng lên rất nhiều trong những ngày gần đây khi những người giàu nhất ở Nga cảm nhận được cánh cửa đang đóng lại. Đối với một số người, có thể đã quá muộn.

Chú thích ảnh
Tỷ phú Roman Abramovich đã bị nhà chức trách Anh chặn lại thương vụ bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Ảnh: Insider

Hôm 2/3, Roman Abramovich, tỷ phú Nga sở hữu Câu lạc bộ bóng đá Chelsea, cho biết rằng nhượng quyền thương mại thể thao đã được bán. Tuy nhiên, một tuần sau, nhà chức trách Anh đã trừng phạt ông và 6 người Nga khác, khiến Abramovich không thể bán Chelsea cho người khác. Đội bóng này cũng rơi vào khó khăn khi không được phép mua bán cầu thủ, không được gia hạn hợp đồng với cầu thủ và ngừng các hoạt động thương mại như bán áo đấu.

Còn Mordashov, cổ đông lớn của một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Nga, đã kêu rằng ông không hiểu tại sao EU lại áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với mình. Người phát ngôn của Mordashov xác nhận các vụ chuyển nhượng cổ phiếu gần đây, từ chối bình luận thêm. Tài sản của Mordashov ước tính là 19,6 tỷ USD, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg (Bloomberg Billionaires Index).

Giới siêu giàu của Nga được cho là chịu thiệt hại hơn 90 tỷ USD do hậu quả của các lệnh trừng phạt Nga. 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Có gì trong gói viện trợ ‘khủng’ 13,6 tỉ USD của Mỹ cho Ukraine
Có gì trong gói viện trợ ‘khủng’ 13,6 tỉ USD của Mỹ cho Ukraine

Dự luật chi tiêu khổng lồ vừa được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 10/3 cho phép cung cấp gói viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá 13,6 tỷ USD cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN