Theo CNN, số tiền viện trợ mà dự luật cho phép đã tăng lên khá nhiều sau các cuộc đàm phán của giới lập pháp trong những ngày qua, so với mức 10 tỷ USD mà Nhà Trắng yêu cầu vào tuần trước.
Khoản viện trợ Ukraine được gắn kèm trong dự luật chi tiêu 1.500 tỷ USD cho chính phủ liên bang trong năm tài chính 2022, đã bắt đầu từ tháng 10/2021. Các nhà lập pháp Mỹ đã tranh luận từ nhiều tháng qua và phải thông qua ba dự luật cấp kinh phí tạm thời duy trì hoạt động của chính phủ trong thời gian chờ đợi.
Đến ngày 10/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật chi tiêu khổng lồ này với tỉ lệ 63 phiếu thuận và 31 phiếu chống. Dự luật dài trên 2.700 trang được chuyển tới Tổng thống Joe Biden ký ban hành, chỉ một ngày trước khi các biện pháp chi tiêu tạm thời hết hiệu lực, có thể đẩy nước Mỹ vào tình cảnh phải đóng cửa chính phủ một phần. Trước đó ít giờ, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này.
Các điều khoản về gói viện trợ Ukraine là phần đặc biệt thu hút sự chú ý trong dự luật chi tiêu của chính phủ Mỹ lần này. Dưới đây là cách thức gói viện trợ 13, 6 tỷ USD cho Ukraine sẽ được chi tiêu:
Viện trợ quân sự
Khoảng 6,5 tỷ USD, tương đương một nửa gói viện trợ, sẽ được chuyển cho Bộ Quốc phòng Mỹ để cơ quan này có thể triển khai quân đội tới khu vực và gửi thiết bị quốc phòng tới Ukraine - theo bản tóm tắt của dự luật.
Mỹ đã triển khai hàng nghìn binh sĩ khắp châu Âu cả trước và trong khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, việc triển khai quân đội tại Ukraine, quốc gia không phải thành viên NATO, là ranh giới mà Mỹ và các đồng minh phương Tây không muốn vượt qua.
Viện trợ nhân đạo
Hơn 4 tỷ USD sẽ dành cho cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người tị nạn từ Ukraine và những người phải sơ tán bên trong quốc gia này, cũng như cung cấp hỗ trợ lương thực khẩn cấp, chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ khẩn cấp cho các cộng đồng dễ bị tổn thương trong khu vực.
Viện trợ kinh tế
Dự luật sẽ cung cấp gần 1,8 tỷ USD để giúp đáp ứng các nhu cầu kinh tế ở Ukraine và các nước láng giềng, như các vấn đề an ninh mạng và năng lượng.
Dự luật cũng cho phép chi 25 triệu USD cho Cơ quan Truyền thông Toàn cầu của Mỹ, một cơ quan liên bang độc lập, để chống lại thông tin sai lệch trong các chương trình tin tức ở nước ngoài. 120 triệu USD khác sẽ giúp hỗ trợ các nhà hoạt động, nhà báo địa phương của Ukraine và thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với các vi phạm nhân quyền.
Tình hình viện trợ trước đây của Mỹ cho Ukraine
Mỹ đã hỗ trợ Kiev trong nhiều năm và tăng cường viện trợ sau khi Nga sáp nhập Crimea, hỗ trợ lực lượng đòi độc lập ở miền đông Ukraine vào năm 2014.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, kể từ đó, Washington đã cam kết tổng hỗ trợ hơn 5,6 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ an ninh và phi an ninh.
Riêng trong năm 2021, Mỹ đã cung cấp hơn 300 triệu USD viện trợ để hỗ trợ phát triển kinh tế và dân chủ ở Ukraine, và trên 650 triệu USD hỗ trợ an ninh. Khoảng 200 triệu USD trong số đó đã được uỷ quyền vào tháng 12/2021 khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang.
Vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào 24/2, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đang gửi gần 54 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Vào năm 2019, cựu Tổng thống Donald Trump đã tạm thời giữ lại gần 400 triệu USD viện trợ an ninh cho Ukraine liên quan đến việc ông điện đàm thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra về ứng cử viên Tổng thống Mỹ khi đó Joe Biden. Ông Zelensky không đồng ý, và kết cục cuộc điện đàm đó đã dẫn đến cuộc luận tội đầu tiên với ông Trump.
Dự luật chi tiêu khổng lồ sẽ cấp kinh phí cho chính phủ liên bang trong năm tài chính 2022. Nó cho phép chi 730 tỷ USD cho các hoạt động phi quốc phòng - tăng 6,7% so với năm tài chính 2021 – và là bước nhảy lớn nhất trong 4 năm qua. Dự luật cũng cung cấp 782 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, tăng 5,6% so với năm tài chính 2021.