Nga tránh vỡ nợ trong gang tấc

Một số chủ sở hữu trái phiếu châu Âu (Eurobond) của Nga đã nhận được các khoản thanh toán đến hạn trong tuần này. Đây là dấu hiệu cho thấy Nga đã tránh được một vụ vỡ nợ trái phiếu mà nhiều người dự báo.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Reuters

Theo đài RT, khoản thanh toán được thực hiện bằng USD. Các nguồn tin cho biết hai chủ nợ đã nhận được khoản thanh toán đến hạn. Một số chủ nợ khác lạc quan rằng họ sẽ sớm nhận được khoản thanh toán vì họ đã nhận được một phần thanh toán trái phiếu bằng ngoại tệ mạnh khác từ một số công ty Nga trong những ngày gần đây.

Trước đó, một nguồn tin khác cho biết ngân hàng đại lý của Nga là JPMorgan đã xử lý các khoản tiền do chính phủ Nga gửi, và ghi có cho đại lý thanh toán Citigroup để phân phối cho các trái chủ sau một quy trình kiểm tra tiêu chuẩn.

Đầu tuần này, Bộ Tài chính Nga thông báo đã gửi lệnh thanh toán hai trái phiếu quốc gia mệnh giá bằng USD đến hạn thanh toán vào ngày 16/3 với tổng số tiền là 117,2 triệu USD. Đây là khoản thanh toán đầu tiên đến hạn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trên các phương tiện truyền thông, có nhiều đồn đoán rằng Nga sẽ vỡ nợ lần đầu tiên sau một thế kỷ, vì phần lớn lượng ngoại tệ nắm giữ của nước này đã bị Mỹ, EU và một số quốc gia khác đóng băng. 

Trong số các lệnh trừng phạt khác, vào cuối tháng 2, các quốc gia phương Tây đã cấm công dân tham gia giao dịch nào liên quan đến Ngân hàng Trung ương Nga. Tuy nhiên, cho đến nay không có hạn chế nào nhắm vào các hoạt động liên quan việc trả nợ nước ngoài của Nga.

Vào đầu tháng 3, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ đã cho phép các giao dịch phục vụ người Mỹ vì mục đích “nhận tiền lãi, cổ tức hoặc các khoản thanh toán đáo hạn liên quan đến nợ hoặc vốn chủ sở hữu” do Nga phát hành. Việc miễn trừ sẽ kéo dài đến ngày 25/5.

Ngày đến hạn của một số khoản thanh toán khác của Nga đang đến gần. Quốc gia này phải trả khoản 615 triệu USD vào cuối tháng và thêm 2 tỷ USD nữa vào ngày 4/4.

Các nhà phân tích cho rằng có thể có vấn đề với các khoản thanh toán sắp tới này do tình hình chính trị không thể đoán trước, nhưng lưu ý rằng có những cách hợp pháp để thực hiện thanh toán. Ví dụ như thông qua cơ chế Lưu ký Thanh toán Quốc gia của Nga hoặc thông qua chuyển khoản bằng đồng ruble. Lựa chọn thứ hai được đưa ra trong các hợp đồng trái phiếu của Nga.

Trước đó, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, cả ba công ty xếp hạng tín nhiệm lớn là Fitch, S&P và Moody's đã hạ hạng mức tín nhiệm nợ của Nga từ mức “đầu tư” xuống mức “không đáng đầu tư”.

Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P ngày 17/3 đã hạ mức xếp hạng của Nga từ CCC- xuống CC, khi nước này báo cáo về những khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn đối với trái phiếu châu Âu 2023 và 2043 bằng đồng USD.

Trước đó, một hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu khác là Fitch ngày 8/3 một lần nữa hạ bậc xếp hạng nợ chính phủ của Nga xuống mức "có rủi ro cao", từ "B" xuống "C", cho hay quyết định này phản ánh nguy cơ vỡ nợ "sắp xảy ra”. Đầu tháng này, Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống mức "có rủi ro cao", hay liệt kê vào loại các quốc gia có nguy cơ không trả được nợ.

Trong một thông báo, Fitch cho hay mức xếp hạng “C” phản ảnh nguy cơ vỡ nợ sắp xảy ra và tình hình đang diễn ra hiện nay cho thấy sự sẵn sàng trong việc trả nợ chính phủ của Nga đang giảm xuống.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng rút tiền từ máy ATM của ngân hàng Alfa ở Moskva ngày 27/2. Ảnh: AP 

Mới đây, Bộ Kinh tế Nga ngày 16/3 cho biết lạm phát tại nước này đã tăng lên mức 12,54% trong 12 tháng tính đến ngày 11/3, mức cao nhất kể từ cuối năm 2015 và cao hơn mức 10,42% ghi nhận một tuần trước, do đồng ruble mất giá đã khiến giá cả tăng vọt trước các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ của phương Tây.

Trong khi đó, lạm phát tính theo tuần lại giảm nhẹ xuống 2,09% trong tuần kết thúc vào ngày 11/3, từ mức 2,22% một tuần trước đó, vốn là mức tăng giá mạnh nhất trong một tuần kể từ cuộc khủng hoảng năm 1998.

Đồng ruble của Nga rơi xuống mức thấp kỷ lục mới là 110 ruble đổi 1 USD tại Sở Giao dịch Moskva trong ngày 2/3 và thị trường chứng khoán tiếp tục đóng cửa khi hệ thống tài chính của nước này chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đồng tiền này đã mất khoảng 1/3 giá trị so với đồng USD kể từ đầu năm nay.

Trước sự mất giá của đồng tiền, Nga đã tăng lãi suất lên 20% và yêu cầu các doanh nghiệp chuyển đổi 80% doanh thu bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước, khi Ngân hàng trung ương Nga dừng can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế Nga bao gồm hơn 100 sáng kiến trị giá khoảng 1.000 tỷ ruble.

Ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản BlueBay Asset Management (Anh), từng nhận định: “Một vụ vỡ nợ là thảm họa đối với Nga”. Việc Nga triển khai chiến dịch nói trên đã khiến nước này không nhận được nhiều ủng hộ và vỡ nợ có thể sẽ cắt đứt khả năng tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài trong nhiều năm.

Vỡ nợ được coi là “khoảng tối” của các nền kinh tế trên toàn cầu. Vỡ nợ xảy ra khi người đi vay không thể trả lãi hoặc gốc cho khoản nợ của mình khi đến hạn thanh toán. Các chính phủ vay tiền bằng cách phát hành trái phiếu. Các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, mua những trái phiếu đó và nhận được cam kết sẽ được trả tiền lãi.

Việc không thanh toán dẫn đến vỡ nợ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đó là lý do tại sao chính phủ các nước thường làm mọi cách để tránh kịch bản này. Nga đã không bị vỡ nợ kể từ năm 1917.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Kịch bản Nga vỡ nợ dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế quốc tế
Kịch bản Nga vỡ nợ dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế quốc tế

Nga đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ đối với các khoản thanh toán nợ nước ngoài, có nguy cơ đẩy nền kinh tế của nước này chìm sâu hơn vào khủng hoảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN