Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hội nhập Montenegro Igor Luksic tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 2/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 2/12, ngay sau khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại hội nghị Hội đồng ngoại trưởng NATO vào ngày 1-2/12 ở Brussels (Bỉ) quyết định mời Montenegro khởi động các cuộc đàm phán để gia nhập khối quân sự này, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố trên và nêu rõ vòng xoáy leo thang mới của NATO trực tiếp ảnh hưởng tới các lợi ích của Nga và buộc Moskva phải đưa ra những phản ứng thích hợp.
Trước đó, Nga từng tuyên bố động thái của NATO mở rộng sang khu vực Balkan không giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực nói riêng cũng như châu Âu nói chung. Trái lại, việc NATO kết nạp các nước khu vực, như Montenegro, có thể khiến quan hệ Nga-NATO thêm phức tạp. Nga coi việc NATO tiếp tục mở rộng như vậy là một sai lầm và một sự khiêu khích.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định những cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) là vô căn cứ, đồng thời nêu rõ Moskva vẫn tuân thủ INF. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Moskva đã nhiều lần đề xuất với Mỹ tránh đưa ra các cáo buộc vô căn cứ và chuyển sang đối thoại chuyên gia trong khuôn khổ song phương, tuy nhiên, phía Mỹ vẫn "trốn tránh" các cuộc thảo luận với Nga về vấn đề này.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng bằng cách phóng đại một cách giả tạo xung quanh vấn đề INF, Mỹ đang lợi dụng sự việc này như một cái cớ để biện minh cho "phản ứng toàn diện" của mình, trong đó có việc triển khai các chương trình quân sự dài hạn gồm hiện thực hóa và nâng cao tính hiệu quả của vũ khí hạt nhân; tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu và khu vực Baltic, sát với biên giới Nga. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Mỹ cũng đang lợi dụng INF để tạo nên bầu không khí quân sự căng thẳng lâu dài ở khu vực.
Trước đó, tờ "The New York Times" của Mỹ ngày 2/12 cho biết trong buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, bà Rose Gottemoeller đã đề cập tới khả năng đưa ra các biện pháp trừng phạt mới chống Nga bởi Washington cho rằng Moskva đã vi phạm INF.
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô trước đây ký kết vào năm 1987. Theo đó, thủ tiêu các tên lửa đạn đạo thông thường hoặc mang vũ khí hạt nhân và các tên lửa hành trình tầm trung khoảng 500-5.500 km được triển khai trên mặt đất. Hiệp ước này đánh dấu sự kiện lần đầu tiên hai cường quốc hạt nhân đạt được sự đồng thuận trong việc giảm thiểu sử dụng các vũ khí hạt nhân của mình.