Ông Lavrov đưa ra nhận xét trên trong bối cảnh cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đình trệ kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội. Hai bên đã tiến hành cuộc gặp cấp chuyên viên tại Thụy Điển hồi tháng trước, song cũng không đạt thỏa thuận. Triều Tiên cáo buộc Mỹ không đem đến bàn đàm phán một đề xuất mới.
Đầu tuần này, giới chức cấp cao Triều Tiên liên tiếp kêu gọi Washington từ bỏ "chính sách thù địch" đối với Bình Nhưỡng, đồng thời cảnh báo sẽ không có hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 nếu cuộc gặp như vậy "không đem lại điều gì".
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn phát biểu của ông Lavrov nhấn mạnh: "Các mối liên hệ (Mỹ - Triều) bị đình trệ và nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là hết sức đơn giản: Triều Tiên tin rằng họ đã thực hiện rất nhiều điều đặc biệt, xứng đáng với những biện pháp tương ứng (của phía Mỹ), trong khi Washington cho rằng cần đạt được tất cả ngay lập tức và sau đó sẽ cân nhắc về cách thức khuyến khích Bình Nhưỡng".
Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và đảm bảo an ninh để đổi lại chương trình hạt nhân, song Mỹ muốn thấy những bước phi hạt nhân hóa cụ thể và có thể kiểm chứng trước khi đưa ra bất cứ nhượng bộ nào.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết Nga và Trung Quốc đã vạch ra một kế hoạch chi tiết hơn nhằm tạo điều kiện cho tiến trình đối thoại, gồm 4 khía cạnh - quân sự, chính trị, kinh tế và nhân đạo - cùng với các cách thức nhằm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và khôi phục quan hệ kinh tế liên Triều cũng nhiều vấn đề khác. Kế hoạch này là phiên bản cập nhật hơn của kế hoạch hành động mà hai nước đã gửi cho Mỹ, Nhật Bản và hai miền Triều Tiên trong các cuộc đàm phán 6 bên đầu những năm 2000.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), bà Jackie Wolcott cho rằng Triều Tiên không thể hiện "mong muốn chân thành" về việc tiếp tục đàm phán hạt nhân với Mỹ, bất chấp những nỗ lực của Washington nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán cấp chuyên viên.
Tại cuộc họp của IAEA ở Vienna (Áo), bà Wolcott đánh giá Triều Tiên đã "không thực hiện những bước đi cụ thể và quan trọng" hướng tới loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các chương trình tên lửa đạn đạo của mình, "dù Mỹ đã nỗ lực tái khởi động các cuộc đàm phán cấp chuyên viên". Bà kêu gọi "tất cả các quốc gia tăng cường nỗ lực để thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) và có hành động nhằm ngăn chặn hành vi trốn tránh các lệnh trừng phạt".
Trước đó, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun bày tỏ tin tưởng rằng Bình Nhưỡng có thể vẫn sẽ chọn phi hạt nhân hóa dù đến nay chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Triều Tiên có ý định dỡ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Ông Biegun còn cho biết Tổng thống Donald Trump cũng có niềm tin này với quan điểm rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un "có thể đưa ra quyết định thúc đẩy mọi việc".