Tàu chiến USS Laboon (DDG 58) của Mỹ tại eo biển Dardanelles khi đang trên đường tới Biển Đen ngày 21/6/2015. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 15/6, các hãng thông tấn Nga dẫn lời ông Andrei Kelin, quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nêu rõ: "Nếu quyết định thành lập một lực lượng thường trực trên Biển Đen được đưa ra, dĩ nhiên nó sẽ gây bất ổn, vì đây không phải là vùng biển của NATO. Vùng biển này (Biển Đen) không có liên quan gì tới liên minh đó (NATO). Và tôi không cho rằng điều này sẽ cải thiện quan hệ của chúng ta với NATO".
Trước đó ngày 14/6, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sau cuộc họp các bộ trưởng quốc phòng NATO rằng khối quân sự này quyết định tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại Biển Đen. Tuy nhiên quyết định cuối cùng cần phải được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vácsava (Ba Lan) ngày 8-9/7 tới.
Cũng trong cuộc họp này, Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO đã nhất trí điều 4 tiểu đoàn đến 3 quốc gia ở khu vực Baltic và Ba Lan, động thái được cho là nhằm tăng cường sự hiện diện của liên minh quân sự này ở phía Đông trong bối cảnh quan hệ giữa NATO và Nga vẫn đang căng thẳng.
Theo các nguồn tin ngoại giao, tổng số binh sĩ trong 4 tiểu đoàn được triển khai đến các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan khoảng 2.500-3.000 người. Mỹ, Anh và Đức đã nhất trí là các quốc gia đi đầu trong các tiểu đoàn trên và dự kiến Canada sẽ là quốc gia thứ 4.
Quan hệ giữa NATO và Nga trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện LB Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014.
Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc NATO "bành trướng" về phía Đông, như triển khai binh sĩ và cơ sở hạ tầng quân sự đến khu vực giáp ranh với Nga, là đe dọa an ninh Nga. Moskva cũng đã tuyên bố sẽ có những hành động đáp trả thích đáng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia.