Tập đoàn xuất khẩu quốc phòng lớn nhất nước Nga Rosoboronexport ngày 30/8 thông báo, Nga đã không cung cấp các loại vũ khí mới cho Syria kể từ năm 2011, ngoại trừ các hợp đồng đã được ký trước thời điểm này.Người dân biểu tình phản đối tấn công đối với Syria bên ngoài Nhà Trắng ở Washington, DC (Mỹ) ngày 29/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời đại diện tập đoàn Rosoboronexport, Phó Tổng Giám đốc Victor Komardin, cho biết: "Nga đang triển khai các hợp đồng ký trước năm 2011 với 100% là các hệ thống phòng thủ như hệ thống phòng không và phòng thủ duyên hải". Theo ông Komardin, Nga cung cấp cho Syria các hệ thống phòng không Tor và Buk cùng với các hệ thống phòng thủ duyên hải Bastion.
Điện Kremli cũng bác tin nói rằng Nga đã chuyển các loại vũ khí mới cho Syria. Trả lời báo giới, cố vấn Điện Kremli, Yuri Ushakov, khẳng định: "Tôi không thấy có bất cứ hóa đơn thanh toán mới nào liên quan tới hợp đồng cung cấp vũ khí. Còn những thương vụ chuyển vũ khí đã thực hiện đều nằm trong các hợp đồng đang có hiệu lực". Ông nhấn mạnh rằng hợp tác quân sự-công nghệ giữa Syria và Nga không vi phạm bất cứ nguyên tắc quốc tế nào.
Trong khi đó, ngày 30/8, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho rằng Nga chịu trách nhiệm với số vũ khí hóa học thời Liên Xô trước đây (USSR) ở Syria và Nga có thể dùng ảnh hưởng của mình để tác động tới diễn biến xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Trả lời báo giới tại thủ đô Vacsava, ông Radoslaw nói: "Dù Nga vẫn giữa lập trường phản đối hành động sử dụng vũ khí hóa học, song chúng tôi được biết về kho vũ khí của Syria tồn tại từ thời USSR. Đó là công nghệ thời USSR".
Trong khi Mỹ và các đồng minh, như Pháp, đang thiên về một hành động can thiệp quân sự chống chế độ Syria, Nga lại cho rằng một hành động quân sự không được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua sẽ giáng đòn mạnh vào trật tự thế giới và không thể mang lại hòa bình-ổn định cho cả Syria lẫn toàn khu vực Trung Đông.
Cùng ngày, trả lời phỏng vấn kênh tin tức SkyTG24, Ngoại trưởng Italia Emma Bonino nhận định các cuộc tấn công quân sự đang được cân nhắc nhằm vào Syria có nguy cơ leo thang "xung đột toàn cầu".
* Ngày 30/8, phe đối lập Syria đã bày tỏ lấy làm tiếc trước việc quốc hội Vương quốc Anh bỏ phiếu phản đối hành động quân sự chống Syria liên quan tới các cuộc tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, song khẳng định quyết định này sẽ không thể ngăn cản được các cuộc không kích của phương Tây.
Một quan chức giấu tên của phe đối lập Syria cảnh báo rằng quyết định của Vương quốc Anh có thể sẽ khuyến khích Tổng thống Bashar al-Assad "tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học với quy mô còn lớn hơn rất nhiều". Quan chức này nhấn mạnh: "Thật đáng tiếc vì các nghị sĩ Anh đã không nắm bắt được tình hình thực sự ở Syria".
T.N