Nepal cần khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca 

Nepal đang cần khẩn cấp ít nhất 1,6 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca để tiêm mũi thứ 2 cho người dân khi nước này đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng vọt. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại phòng tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Kathmandu, Nepal. Ảnh: THX/TTXVN

Theo một quan chức cấp cao trong ngành y tế của Nepal, những người đã được tiêm mũi đầu tiên sẽ gặp khó khăn nếu không được chủng ngừa mũi thứ 2 theo đúng thời hạn quy định. 

Trước đó, ngày 3/5, Thủ tướng K.P.Sharma Oli đã kêu gọi các nhà tài trợ nước ngoài cung cấp vaccine, thuốc men và trang thiết bị y tế nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế vốn mong manh của đất nước nhỏ bé này. 

Nepal nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đã tiêm chủng cho hơn 2 triệu người bằng vaccine của hãng AstraZeneca do Ấn Độ cung cấp và vaccine Sinopharm của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nepal đã phải tạm dừng chương trình tiêm chủng hồi tháng trước sau khi nước này chưa nhận được các lô vaccine tiếp theo từ Ấn Độ và Trung Quốc. Thủ tướng Oli cho biết Nepal đang liên hệ với Trung Quốc và Nga cũng như các hãng dược phẩm khác nhằm có được vaccine ngừa COVID-19. 

Ngày 3/5, Nepal ghi nhận 7.388 ca nhiễm mới và 37 ca tử vong, mức tăng theo này cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia Nam Á này. Hiện tổng số ca bệnh tại Nepal tăng lên 343.418 ca, trong đó 3.362 ca tử vong. 

Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) cho biết tính đến ngày 3/5, nước này đã phân phối 279,91 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, tăng 4,57 triệu liều so với ngày trước đó. 

Tại khu vực châu Phi, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tito Mboweni ngày 4/5 đã đưa ra Dự luật về phân bổ ngân sách đặc biệt, trong đó chi thêm 4 tỷ rand (276 triệu USD) để mua vaccine ngừa COVID-19 và gia hạn chương trình trợ cấp cho hàng nghìn người chịu tác động của đại dịch. 

Theo dự luật trên, trong số 4 tỷ rand, 1,25 tỷ rand sẽ chi cho Bộ Y tế mua vaccine ngừa COVID-19 và 2,82 tỷ rand còn lại để hỗ trợ cho những người chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh với mỗi người được trợ cấp 350 rand. Dự kiến, dự luật này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của một ủy ban trong Quốc hội vào cuối ngày 4/5. 

Nam Phi, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh ở châu Phi, đang nỗ lực để khởi động chương trình tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19. Nam Phi đã đặt mua 31 triệu liều vaccine của hãng Johnson & Johnson và 30 triệu liều vaccine của hãng Pfizer, đủ để chủng ngừa cho 46 triệu người trong tổng số 60 triệu dân của nước này.

Cuối tuần qua, Nam Phi đã nhận được lô vaccine đầu tiên của hãng Pfizer. Dự kiến, hãng dược phẩm của Mỹ sẽ giao cho Nam Phi khoảng 4,5 triệu liều vaccine từ nay đến tháng 6 tới.

Trần Quyên (TTXVN)
Chương trình tiêm chủng tại Brazil gặp khó khăn do thiếu vaccine ngừa COVID-19
Chương trình tiêm chủng tại Brazil gặp khó khăn do thiếu vaccine ngừa COVID-19

Tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 đang gây khó khăn cho chương trình tiêm chủng 212 triệu dân của Brazil, buộc một số thành phố lớn của nước này tạm ngừng tiêm chủng mũi thứ hai cho người dân. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN