Dữ liệu do Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus tổng hợp cho thấy có ít nhất 70% khả năng rằng tất cả Tây Âu và một phần của nước Mỹ sẽ trải qua nhiệt độ cao hơn mức trung bình trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 năm nay. Dự báo thời tiết theo mùa của Copernicus được sử dụng bởi người nông dân, các công ty bảo hiểm và một số dịch vụ tiện ích thiết yếu nhằm giúp thích ứng với hành tinh đang nóng lên.
Nhiệt độ cao bất thường có thể khiến giá khí đốt tự nhiên hạ nhiệt vào mùa đông, giúp người dân châu Âu trút bớt gánh nặng về chi phí sinh hoạt. Xung đột ở Ukraine là một trong những lý do đã đẩy giá cả ở châu Âu lên mức cao kỷ lục, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt kéo dài khắp lục địa này.
Ước tính sơ bộ của Copernicus cho thấy xác suất 60 - 70% rằng nhiệt độ mùa đông ở Tây Âu cũng sẽ cao hơn mức bình thường.
Các hợp đồng khí đốt mùa đông ở châu Âu thường đắt hơn so với các hợp đồng giao hàng trong ngắn hạn - phản ánh nỗi lo ngại về mùa cao điểm của nhu cầu sưởi ấm. Mặc dù châu Âu đang tích cực lấp đầy các kho dự trữ, nhưng nguồn dự trữ đó có thể cạn kiệt nhanh chóng nếu một đợt lạnh kéo dài xảy ra đồng thời với kịch bản gián đoạn nguồn cung. Giá khí đốt tiêu chuẩn cho tháng 12 hiện giao dịch cao hơn khoảng 50% so với hợp đồng tháng 8.
Chương trình của Copernicus sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu, máy bay và trạm khí hậu trên khắp thế giới để đưa ra dự báo thời tiết hàng tháng và theo mùa. Cùng với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, Copernicus đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực trị giá 17,5 tỷ USD của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu thông qua dự báo chính xác. Copernicus là nhà cung cấp dữ liệu khí hậu lớn nhất thế giới.
Ngày 11/7, một nghiên cứu mới được công bố cho biết hơn 61.000 người đã tử vong vì nắng nóng trong mùa Hè năm 2022 tại châu Âu, phần lớn là người trên 80 tuổi. Theo nghiên cứu, nếu không có hành động can thiệp, đến năm 2030, châu Âu sẽ đối mặt với tình trạng trung bình mỗi mùa hè có hơn 68.000 ca tử vong liên quan đến nắng nóng.
Các nhà khoa học đánh giá đây là một con số cảnh báo cho những mùa hè, đồng thời kêu gọi cần phải có những biện pháp hiệu quả để bảo vệ người dân khỏi những đợt nắng nóng nguy hiểm hơn trong những năm tới.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nguyên nhân của sự nóng lên này là do biến đổi khí hậu và El Nino - hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương. WMO cũng cho biết nhiệt độ đang phá kỷ lục cả trên đất liền và đại dương, với "tác động tàn phá tiềm ẩn đối với hệ sinh thái và môi trường".
Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C kể từ năm 1880, khiến nhiệt độ cực cao xảy ra thường xuyên hơn, trong khi trái đất nóng lên làm tăng nguy cơ mưa lớn do bầu khí quyển ấm có thể chứa nhiều nước hơn.
Giám đốc dịch vụ khí hậu của WMO, ông Christopher Hewitt cảnh báo nhiều kỷ lục thế giới về thời tiết cực đoan có thể bị phá vỡ trong thời gian tới, với hiện tượng El Nino có thể kéo dài và gây tác động cho đến năm 2024.